Hai mặt!

Quốc hội Mỹ trong 2 ngày cuối tuần đã họp khẩn về kế hoạch dành 700 tỷ USD nhằm giải cứu nền kinh tế khỏi những khoản “nợ độc hại” đã làm cho thị trường Mỹ và thế giới chao đảo suốt tuần qua. Chi tiết của bản kế hoạch đề xuất đã được công bố cho báo chí gồm các điểm căn bản: cho quyền Bộ Tài chính dùng đến 700 tỷ USD để mua chứng khoán liên quan đến địa ốc từ bất kỳ tổ chức tài chính nào của Mỹ; nâng hạn mức nợ quốc gia từ 10,6 ngàn tỷ USD lên 11,3 ngàn tỷ USD; Bộ trưởng Tài chính được toàn quyền mua, giữ và bán tài sản theo bất cứ hình thức nào...

Còn nhớ, khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á, Mỹ từng chỉ trích các nền kinh tế châu Á giải cứu những công ty sắp phá sản. Tuy nhiên, hiện giờ chính Mỹ lại thả “phao cứu sinh” cho các công ty Mỹ đang “chết chìm” trong cuộc khủng hoảng tín dụng ở nước này, các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định rằng hành động bộc lộ rõ tính chất hai mặt của Mỹ. Tờ The New York Times dẫn lời nhà kinh tế Yung Chul Park, hiện là giáo sư kinh tế của Trường Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho biết khi IMF cam kết dành 20 tỷ USD để giúp Hàn Quốc khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, IMF đã ra điều kiện Seoul phải để cho các ngân hàng yếu kém và các công ty khác phá sản chứ không được giải cứu.

Các nhà kinh tế lý giải rằng hành động cứu nguy này “hoàn toàn đi ngược lại” chủ trương mà Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khi yêu cầu châu Á để mặc cho các tập đoàn sắp phá sản “chảy máu đến chết”. Nhà kinh tế hàng đầu của IMF từ năm 2003-2006, ông Raghuram Rajan, nhận định bình thường Mỹ vẫn rao giảng “hãy để mặc hệ thống tài chính hoạt động, hãy để mặc nó tự cân bằng”. Nhưng khi phải đối mặt với các cuộc tấn công của giới đầu cơ và nhiều tổ chức tài chính lớn có nguy cơ bị sụp đổ, người Mỹ lại nói rằng “chính phủ can thiệp là điều đương nhiên vì không thể để thảm họa xảy ra”.

Ngay chính các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Tổng thống Bush cũng bất bình trước cách ứng phó của Nhà Trắng với cuộc khủng hoảng tài chính. Nhà Trắng đã cứu Fannie Mae, Freddie Mac nhưng để cho Lehman Brothers sụp đổ để rồi sau đó lại ra tay cứu Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG. Trưởng ban tổ chức phe thiểu số tại Hạ viện Roy Blunt nói rằng các nghị sĩ Cộng hòa “không nhận thấy chiến lược nhất quán” thậm chí “không biết chính phủ có một chiến lược như vậy hay không”.

Các nghị sĩ Cộng hòa bực tức vì 2 lẽ: Thứ nhất, các quan chức chính quyền đã không thông báo đầy đủ cho họ về kế hoạch đối phó với khủng hoảng. Thứ hai, họ không hài lòng với cách can thiệp của chính phủ, như cứu vớt Fannie Mae, Freddie Mac và nay là AIG vì không phù hợp với quan điểm kinh tế thị trường tự do của đảng Cộng hòa. Hạ nghị sĩ Jeb Hensarling cũng phàn nàn: “Cả Bộ Tài chính lẫn FED đều không đưa ra được tiêu chí rõ ràng nào cho việc ai đáng được cứu và ai không được cứu”.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục