Gần 20 năm nay, bà con ở các ấp nghèo trong xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) luôn bắt gặp hình ảnh bà Hoàng Thị Xuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã, lặn lội khắp nơi, dạy chữ, giúp nghề cho chị em phụ nữ…
Chia sẻ khó khăn
20 tuổi, chị Xuyến theo ba má và 7 anh chị em khác lặn lội về miệt xa xôi của huyện Cần Giờ theo chương trình “Người cày có ruộng” của TPHCM. Ruộng đâu không thấy, chỉ thấy cả gia đình chị phải lao đao vì không thích ứng được với vùng đất khắc nghiệt nhiễm phèn, nhiễm mặn này. Để có cái ăn, người phụ nữ ấy phải đổ mồ hôi sôi nước mắt với rẫy nhiều hơn. Lần lượt từng người trong gia đình chị không chịu nổi cuộc sống vất vả, trở về nội thành làm ăn sinh sống. Riêng vợ chồng chị quyết tâm trụ lại.
26 tuổi, biến cố cuộc đời ập đến, chị bàng hoàng khi người chồng thân yêu của mình ra đi sau một cơn bạo bệnh, để lại hai đứa con thơ. Còn lại một mình, chị đối diện với những ngày tháng trống trải. Ngày thì lủi thủi trên đồng, đêm về lạnh lẽo nhìn bóng mình trên vách. Hai đứa con vừa là niềm an ủi vừa là động lực để người mẹ trẻ không buông xuôi. Chị lao vào làm việc quần quật suốt ngày để mưu sinh. Thời gian rảnh, chị nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể để quên đi nỗi niềm riêng. 35 tuổi, chị được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội nông dân xã. Suốt mấy năm trời, người cán bộ ấy cuốc bộ đi làm vì còn để dành tiền nuôi con ăn học. 5 năm sau, chị chuyển sang làm chủ tịch hội phụ nữ xã.
Những năm gắn bó với công tác phụ nữ, tiếp cận chị em nghèo trong xã, mỗi mái nhà, mỗi thân phận, chị đều thuộc như lòng bàn tay và luôn đau đáu trong lòng tâm nguyện được chia sẻ sự khó khăn đó.
Khi đi khảo sát các trường hợp có nhu cầu vay tiền làm ăn theo các chương trình của hội, chị nhận thấy nhiều phụ nữ trong đã nghèo lại mù chữ nên có vay vốn cũng không biết làm ăn. Chị nghĩ: “Phải xóa mù chữ trước rồi mới kiếm việc làm cho các chị”. Thế là hàng ngày, chị em cán bộ hội tìm đến tận nhà, vận động những hội viên mù chữ đến lớp. Các chị cũng tạm gác nỗi lo cơm áo gạo tiền, trở thành những giáo viên đứng lớp.
Chị Xuyến kể: “Lúc đầu mở lớp rất gian nan vì các chị không chịu đến lớp, lại không kiếm đâu ra giáo viên. Nhiều chị em trốn biệt trong nhà hoặc biết tôi đến thì… trốn đi cửa sau, không chịu đi học. Thế là chúng tôi phải vận động từ từ, thuyết phục vừa vợ vừa chồng riết rồi mưa dầm thấm lâu, các chị cũng đến lớp hết. Lớp học vui lắm, vừa là lớp vừa là nhà giữ trẻ. Mẹ thì ê a tập đọc từng chữ còn con cái thì quấy khóc bên cạnh. Thế rồi cả 12 chị trong lớp xóa mù chữ đều biết đọc, biết viết…”.
Dạy chữ cho chị em phụ nữ, bản thân chị Xuyến cũng không can tâm giấu dốt. Thế là ngày đi làm, trưa dạy xóa mù chữ, chiều về chăm 2 con ăn uống xong, chị lại tất tả chạy về trung tâm TP học bổ túc văn hóa. “Mới đầu cũng mắc cỡ, mình già nhất, tụi nhỏ trong lớp cứ một má, hai má riết” - chị nhớ lại. Gần 50 tuổi, chị học xong chương trình bổ túc văn hóa, trung cấp chính trị…
Làm việc bằng cái tâm
Bên cạnh việc vừa học vừa làm, chị rút ra kinh nghiệm: “Làm công tác đoàn thể ở cơ sở phải kiên trì và phải có tâm”. Thế là hàng ngày, người dân ở các ấp nghèo trong xã lại thường xuyên thấy bóng dáng tất tả của bà chủ tịch hội. Khi thì chạy đôn chạy đáo đi phổ cập, khi thì đi đưa rước 2 đứa nhỏ cứng đầu trong xóm bỏ học nửa chừng đến khi chúng học xong chương trình lớp 9 và thi đậu tốt nghiệp mới thôi. Lúc khác lại thấy chị đang giải quyết một vụ bạo hành gia đình.
Thấy nhiều chị em phụ nữ không có việc làm, toàn bộ gánh nặng đổ hết lên vai các ông chồng cũng nghèo khó, chị chủ tịch hội lại nghĩ ra mô hình tổ phụ nữ tương trợ với gần 40 hội viên để hàng tuần luân chuyển vốn không lãi cho các thành viên vay. Dù mỗi lần chỉ được vay 2 triệu đồng/người nhưng sự ra đời của gánh chè chị Ba, quán bún riêu cô Năm đã trang trải tiền chợ búa hàng ngày trong gia đình những nông dân nghèo ấy. Không những thế, chị còn lên Hội LHPN TPHCM tìm giúp việc làm cho 250 chị em ở địa phương.
Hôm lên nhận giải thưởng Nguyễn Thị Định vì những cống hiến với công tác hội, chị ứa nước mắt. Chị xúc động: “Tui đọc nhiều về bà Ba Định, biết cả cuộc đời bà sống chân chất, mộc mạc như hạt lúa, củ khoai. Người ta yêu quý bà không vì cái chức cao, quyền trọng mà vì cái chất đằm thắm, nhân ái tỏa sáng trong hành vi đời thường. Giờ được trao giải thưởng mang tên bà, sao tui không xúc động cho được”.
Chị luôn canh cánh nỗi lo: Không biết có ai chịu làm cái chuyện “vác tù và hàng tổng” này không nữa, khi áp lực của cuộc sống đang đè nặng đôi vai…
H.HIỆP - T.HỢP