
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp ngành xăng dầu, bảo hiểm, ngân hàng, taxi, thép công khai liên minh ấn định mức giá cho khách hàng, đã gây nhiều bức xúc trong công luận. Mặc dù, Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ năm 2005 đã quy định xử lý vi phạm đối với hành vi trên, song dư luận lại quan ngại về khả năng thực thi của luật này.
Liên minh xâm hại lợi ích người tiêu dùng

Trên thế giới, pháp luật về chống độc quyền (antitrust) xuất hiện khá sớm ở các nước công nghiệp phát triển, khi mà một hoặc vài công ty siêu lớn liên kết lại với nhau thống trị một ngành hoặc lĩnh vực kinh tế nhất định. Chống độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh (anti-unfair competition) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Trong khi đối tượng trực tiếp của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là đối thủ của họ thì “nạn nhân” chịu tác động từ hành vi độc quyền lại chính là người tiêu dùng. Mọi người còn nhớ trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn gần đây, liên tục các trường hợp liên kết, thỏa thuận định giá buộc người tiêu dùng phải chấp nhận, đều thuộc các ngành kinh tế trọng yếu như ngân hàng, xăng dầu, vận tải, bảo hiểm…
Các doanh nghiệp thường liên minh, dùng “cây đũa thần”, dưới danh nghĩa của các hiệp hội, tạo ra những biện pháp áp đặt giá tăng dưới hình thức này hay hình thức khác. Điều bất bình thường và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng là khi giá cả thế giới giảm mạnh, các doanh nghiệp trong liên minh vẫn chần chừ trong việc giảm giá hoặc giảm giá “nhỏ giọt” khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Bạn đọc T.T.N.Y (ngụ quận 1, TPHCM) bức xúc gọi đến CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP (SACC) cho biết: “Sau khi Hiệp hội Ngân hàng ấn định mức lãi suất trần cho các ngân hàng hội viên, nhiều ngân hàng buộc khách hàng phải ký lại các khế ước vay vốn với lý do lãi suất huy động cao nhưng khi lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định giảm gần đây, thì chỉ một số ít ngân hàng thực hiện, thậm chí, khi tôi chất vấn nhân viên của ngân hàng mà tôi đang vay vốn thì nhận được trả lời là: phải làm đơn xin giảm để chờ xét duyệt.
Các cơ quan chức năng cần xem xét có hay không hiện tượng liên minh ngân hàng chèn ép khách hàng ?”. Tương tự, khi giá xăng dầu trên thế giới tăng, không ít doanh nghiệp trong nước đã lập tức “ăn theo”, nhưng đến nay, khi giá xăng dầu thế giới giảm thì các doanh nghiệp cũng chỉ lần lượt giảm giá theo tốc độ “rùa bò” !?!
Hiện nay, Luật Cạnh tranh, có hiệu lực từ ngày 1-7-2005, quy định các dạng hành vi sai phạm gồm: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh với luật pháp về chống độc quyền tại các nước thì quy định trong Luật Cạnh tranh của Việt Nam vẫn chưa thực sự chuẩn mực. Bởi lẽ, một đạo luật chung áp dụng cho cả nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh nhưng phần điều chỉnh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh chiếm gần như toàn bộ nội dung của luật này.
Trong khi bản chất những vụ việc sai phạm xảy ra tại Việt Nam thường vì mục đích liên minh, tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia thỏa thuận - tức là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (chống độc quyền). Cũng qua các vụ việc này, cần thấy rằng hành động của các hiệp hội trong việc khống chế hoặc ấn định giá cả hàng hóa, dịch vụ là hệ quả tất yếu trong bối cảnh chưa có vụ việc sai phạm về cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí độc quyền bị xử lý trong thời gian qua. Đó không chỉ đơn thuần là sự băng hoại trong đạo đức kinh doanh, mà còn là thái độ coi thường khách hàng, nhất là coi thường pháp luật.
Xử lý sai phạm thế nào?
Theo quy định của pháp luật, việc xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoàn toàn không đơn giản. Để xử lý hành vi này, thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh phải ra quyết định điều tra sơ bộ vụ việc và quyết định phân công Điều tra viên. Điều tra viên có 30 ngày để hoàn thành Báo cáo điều tra sơ bộ. Trên cơ sở đó, thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ quyết định điều tra chính thức vụ việc hay đình chỉ tiến trình điều tra.
Trong trường hợp quyết định điều tra chính thức, điều tra viên có 180 ngày hoặc tối đa là 300 ngày để hoàn thành hồ sơ và báo cáo điều tra chính thức trình lên thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh. Hồ sơ và báo cáo sau đó sẽ được trình lên hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để mở phiên điều trần với các bên có liên quan. Thủ tục tố tụng tại phiên điều trần phức tạp không kém một vụ việc do tòa án giải quyết.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội đồng Giải quyết vụ việc cạnh tranh ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bên bị điều tra có quyền khiếu nại lên Hội đồng Cạnh tranh quốc gia (Vietnam Competition Council - VCC, thành lập theo Nghị định 05/2006/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 9-1-2006). Nếu họ không đồng ý với quyết định xử lý của Hội đồng Giải quyết vụ việc cạnh tranh (hoặc khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Công thương nếu như khiếu nại quyết định của thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh).
Ngoài ra, nếu họ vẫn không đồng ý với giải quyết của cấp này thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền. Cần lưu ý rằng, bất kỳ một sai sót nào về thủ tục tố tụng của cơ quan nhà nước trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc, đều dẫn đến việc quyết định của họ có thể bị tòa án hủy bỏ.
Như vậy, để xử lý các vụ việc đã nêu hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản, trong đó, đòi hỏi cơ quan quản lý cạnh tranh phải có những động thái nhanh chóng, triệt để nhằm ra những quyết định khẩn cấp tạm thời buộc doanh nghiệp liên quan lập tức hủy bỏ các thỏa thuận này, hoặc có biện pháp ngăn chặn việc thi hành các thỏa thuận này để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Điều đáng tiếc là Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành đã “quên” mất những quy định này. Trước mắt, người tiêu dùng còn chịu thiệt hại dài dài trong suốt tiến trình điều tra.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã ra quyết định điều tra 16 doanh nghiệp (DN) kinh doanh bảo hiểm trong nước, gồm: Bảo Việt, Bảo hiểm Petrolimex (Pjico), Bảo hiểm AAA, Bảo hiểm Dầu khí (PVI), Bảo Minh, SamsungVina, Toàn Cầu, Viễn Đông (VASS), Công ty LD Bảo hiểm quốc tế Việt Nam (VIA), Bảo hiểm của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Bảo Long, Bảo Ngân, Bảo Tín, Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty Bảo hiểm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). |
NHỰT PHAN