Hạn chế quyền lực của chaebol

Trong vòng bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp tới (19-12), chuyện hạn chế quyền lực những tập đoàn gia đình (chaebol) là một trong những chủ đề nóng trong cuộc vận động tranh cử của 3 ứng cử viên Park Geun-hye, Moon Jae-in và Ahn Cheol-soo.

Họ đều hướng tới mục tiêu chung cải cách kinh tế theo hướng dân chủ và công bằng hơn. Để đạt được mục tiêu này, không có biện pháp nào ngoài việc phải đẩy lùi sự ảnh hưởng của cheabol lên nền kinh tế Hàn Quốc.

Theo Korea Herald, bà Park Geun-hye (ứng viên thuộc đảng Saenuri), cam kết đưa ra những dự luật chặt chẽ buộc các chaebol hạn chế trong hoạt động kinh doanh và đầu tư. Trong khi đó, 2 đối thủ của bà Park là Moon Jae-in (đảng Dân chủ thống nhất) và Ahn Cheol-soo, ứng cử viên độc lập, cũng tuyên bố sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trước các chaebol.

Hạn chế quyền lực của chaebol ở Hàn Quốc không phải chủ đề mới song chưa bao giờ câu chuyện này lại trở nên bức thiết như hiện nay.

Vài năm trước, người Hàn Quốc còn rất tự hào về sự hùng mạnh của các chaebol khi mật độ phủ sóng của các tập đoàn này đã vượt khỏi biên giới quốc gia, giúp nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Nhưng giờ đây, họ lại bày tỏ sự lo ngại bởi sự phát triển không kiểm soát của chaebol đang chi phối nền kinh tế đất nước. Họ lo lắng vì giá tiêu dùng tăng cao và nợ của gia đình cũng tăng, khiến cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn. Trong lúc đó các tập đoàn lớn liên tiếp thu được lợi nhuận kếch xù và mở rộng các chi nhánh trên thế giới.

Theo trang tin Hankyoreh, tổng doanh thu của 10 chaebol hàng đầu của Hàn Quốc đang chiếm 80% GDP nước này, đứng đầu là Samsung, Hyundai Motor. Các chaebol tham gia đến 2/3 trong số 76 ngành kinh doanh ở Hàn Quốc và hầu như triệt tiêu cạnh tranh trên thị trường kinh tế. Mối quan hệ gần gũi giữa các lãnh đạo chaebol với chính phủ đã khiến hệ thống giám sát ngày càng trở nên lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng cho vay tràn lan.

Sự tập trung vốn vào các chaebol đã khiến các tập đoàn này thâu tóm quyền lực để thao túng các chính sách kinh tế, xã hội nhằm phục vụ các nhóm lợi ích. Đã có không ít các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc từng cảnh báo rằng chính điều này đã khiến tình trạng mất cân bằng gia tăng trong bối cảnh dân số đang ngày càng bị già hóa và nền kinh tế suy sụp.

Trước sự phản ứng dữ dội của người dân về các chaebol, Tổng thống Lee Myung-bak từng phải ban hành những đạo luật khắt khe hơn buộc các tập đoàn phải chịu kiểm soát và thuế phí để họ có trách nhiệm hơn, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.

Trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện nay, để đạt mục tiêu hạn chế quyền lực kinh tế của chaebol sẽ vẫn còn là một chặng đường dài và không ít khó khăn bởi nền kinh tế nước này đang chịu sự phụ thuộc rất nhiều vào các tập đoàn kinh tế lớn. Những người ủng hộ chaebol cho rằng nếu tấn công vào chaebol cũng có nghĩa là tấn công vào nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, chaebol yếu đi có thể là điều mà nền kinh tế đang cần.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong một số lĩnh vực, đặc biệt là ngành dịch vụ, các tập đoàn lớn đang hoạt động rất thiếu hiệu quả và không đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục