Hạn ngạch cho vựa lúa ĐBSCL

Hạn ngạch xuất khẩu gạo đang trở thành câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm hơn trong tuần qua do chủ trương hạn chế xuất khẩu, cung cách điều hành của liên bộ và phản ứng của doanh nghiệp (DN) khi không mở được tờ khai hải quan.

Trước tiên là từ đề xuất của Bộ Công thương về tạm dừng rồi cho phép xuất khẩu gạo khiến DN, lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL phản đối. Sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn; bảo đảm an ninh lương thực, liên bộ Công thương, NN-PTNT, Tài chính đã tham mưu Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo theo từng tháng. Trước mắt trong tháng 4 là 400.000 tấn và tháng 5 là 500.000 tấn. Thế nhưng, quá trình điều hành đã bộc lộ nhiều vấn đề, như không giao hạn ngạch cho DN, mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm khiến nhiều DN có gạo nằm sẵn ở cảng như ngồi trên lửa vì không khai được hải quan, trong khi có DN trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng lại bỏ thầu để tham gia xuất khẩu gạo; bất đồng quan điểm giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính trong điều hành xuất khẩu gạo mà thiệt hại cuối cùng chính là DN xuất khẩu đang ôm gạo trên cảng, nguy cơ mất khách hàng và đền bù hợp đồng đã ký với đối tác… 

Chính vì những bất cập xung quanh công tác điều hành, giữa các bộ có “độ vênh” về phương thức, số lượng, chủng loại hàng hóa khiến xuất khẩu gạo gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn Bộ Công thương không nắm được chính xác sản lượng lúa gạo nên đề xuất dừng rồi lại đề xuất cho phép xuất khẩu hay đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo nếp (là mặt hàng không nằm trong diện bảo đảm an ninh lương thực) khiến lãnh đạo tỉnh An Giang và Long An phải kêu cứu Thủ tướng; rồi bây giờ đề xuất cho tiếp tục xuất khẩu mặt hàng này.

ĐBSCL vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân với sản lượng trên 10 triệu tấn (tương đương 5 triệu tấn gạo). Theo tính toán, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ còn dư khoảng 3 triệu tấn gạo. Ngay như năm 2016, năm ĐBSCL bị thiệt hại nặng do hạn, mặn, sản lượng vụ đông xuân cũng trên 10 triệu tấn lúa hàng hóa. Hàng năm, với diện tích gieo trồng gần 4 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 21 triệu tấn, ĐBSCL chiếm 50% tổng sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Đó là chưa kể thu hoạch gối vụ giữa 2 miền Nam, Bắc khiến sản lượng lúa gạo trong nước lúc nào cũng dồi dào, trung bình mỗi năm trên 40 triệu tấn lúa (tương đương 20 triệu tấn gạo). Vì vậy, con số hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4 chỉ 400.000 tấn, theo các doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL là quá thấp. Từ năm 2009, sau khi bỏ hạn ngạch xuất khẩu, gạo Việt Nam bắt đầu vươn tầm trên thế giới, với số lượng 6,05 triệu tấn. Đến năm 2012, gạo Việt Nam xuất khẩu đạt mức kỷ lục là 7,72 triệu tấn. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam có khả năng xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu từ ĐBSCL. Theo các chuyên gia, số lượng 200.000-300.000 tấn gạo dự trữ hàng năm chỉ chiếm khoảng 5% lượng gạo xuất khẩu. Số lượng gạo này chủ yếu dành để hỗ trợ các địa phương bị thiên tai, mất mùa… chứ không phải dùng giải cứu mất an ninh lương thực! 

Theo lãnh đạo các tỉnh thành ở ĐBSCL và các chuyên gia, việc trước mắt là làm thế nào giải tỏa khoảng 300.000 tấn gạo đang nằm ở các cảng để giúp DN giảm chi phí và không phải đối mặt với nguy cơ bồi thường hợp đồng, mất khách hàng. Về hạn ngạch xuất khẩu gạo sắp tới, cần làm rõ nhu cầu, sản lượng lúa gạo trong nước, khả năng xuất khẩu trong năm có dự liệu đến đảm bảo an ninh lương thực, phân bổ chỉ tiêu hạn ngạch hợp lý cho DN có tiềm lực xuất khẩu mạnh, nhất là các DN xuất khẩu gạo ở vựa lúa ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục