Hàng nội, chất lượng ngoại gặp khó trên sân nhà

Hàng nội, chất lượng ngoại gặp khó trên sân nhà

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thay thế hàng ngoại nhập là một trong những chiến lược phát triển của TPHCM nhằm cân bằng cán cân thương mại xuất nhập khẩu theo hướng giảm nhập siêu. Thế nhưng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, rất nhiều sản phẩm thay thế sản phẩm ngoại nhập của doanh nghiệp nội đang gặp khó khăn do bị cạnh tranh không công bằng về giá. Điều này xuất phát từ rào cản kỹ thuật cho các sản phẩm ngoại nhập nước ta chưa chặt chẽ.

Cạnh tranh thiếu công bằng

Ông Cao Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn, cho biết, nằm trong chương trình sản xuất sản phẩm thay thế sản phẩm nhập khẩu do UBND TP phê duyệt, từ năm 2013, công ty đã đầu lắp đặt dây chuyền sản xuất nhựa hiện đại với khả năng tự động hóa cao được điều khiển và kiểm soát hoàn toàn tự động với công suất sản xuất nhựa PEHD là 1.500 tấn/năm và PP là 1.000 tấn/năm. Dự án đầu tư trên đã được UBND TP hỗ trợ 100% lãi vay theo chương trình kích cầu của TPHCM. Đến năm 2015, công ty đã sản xuất thành công các sản phẩm thay thế sản phẩm nhập khẩu như cốp pha nhựa phục vụ cho ngành xây dựng; thùng chứa rác 360 lít, thùng rác 660 lít; thùng container; pallet liền khối sử dụng hai mặt. Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm trên luôn tăng 15% - 20% mỗi năm nhưng rất ít doanh nghiệp nội có khả năng sản xuất được, nhất là sản phẩm thùng rác công cộng cỡ lớn như 360 lít, 500 lít, 660 lít sản xuất hoàn toàn bằng nhựa HDPE. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước có nhu cầu sử dụng những loại sản phẩm trên đều phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá rất cao. Đã vậy, doanh nghiệp còn phải chịu những rủi ro về bảo hành, bảo trì do các doanh nghiệp nước ngoài không đảm bảo các điều kiện hậu mãi sau mua hàng. Thế nhưng, ngay sau khi sản phẩm của công ty được đưa ra thị trường thì bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, giá sản phẩm của Trung Quốc luôn chào thấp hơn giá sản phẩm của công ty 10% - 12% mà không thể kiểm định được chất lượng sản phẩm đó như thế nào. Điều đáng nói, có rất nhiều doanh nghiệp trong nước vì ham rẻ vẫn chấp nhận mua sản phẩm trên.

Sản xuất thùng rác nhựa tại Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn

Không chỉ bị cạnh tranh không công bằng về giá, nhiều doanh nghiệp nội cho rằng, Chính phủ đã có chính sách ưu tiên tiêu dùng hàng nội, nhất là những sản phẩm thay thế sản phẩm ngoại nhập. Thế nhưng, cho đến nay những sản phẩm nội có chất lượng không thua hàng ngoại nhập vẫn rất khó có chỗ đứng vững trên thị trường. Nguyên nhân do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng nội. Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thang máy Thiên Nam, khẳng định, sản phẩm công ty cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Đối với ngành sản xuất thang máy, chế độ hậu mãi là cực kỳ quan trọng. Chất lượng sản phẩm của công ty không thua kém những sản phẩm ngoại nhập từ Singapore, Thái Lan và một số nước G7. Thế nhưng, thay vì người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt thì các chủ đầu tư dự án đều ưu tiên sử dụng hàng ngoại nhập.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, khi các hàng rào thuế quan đang bắt đầu được dỡ bỏ giữa Việt Nam và các nước mà Việt Nam đang là thành viên của các hiệp định thương mại thì sản phẩm nội được dự báo sẽ còn bị cạnh tranh khốc liệt hơn. Đại diện Hiệp hội nhựa TPHCM cho rằng, khi sản phẩm nước ta xuất khẩu sang các nước trên thế giới đều phải vượt qua những rào cản kỹ thuật hết sức khắt khe. Các hàng rào kỹ thuật này không đơn thuần chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn thêm trách nhiệm xã hội, an toàn vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, sản phẩm cùng loại nhập khẩu vào nước ta lại chưa có những rào cản kỹ thuật cần thiết để giúp tạo thị trường cạnh tranh công bằng hơn cho doanh nghiệp nội trên sân nhà. Đó là chưa kể, hiện có rất nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, không phải tiêu tốn khoản thuế nhập khẩu. Không những thế, nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, còn với doanh nghiệp nước ngoài thì có nguyên liệu gốc tại chỗ. Với cách này thì dù doanh nghiệp nội có giảm giá bằng mức vốn cũng khó có thể cạnh tranh nổi. Ông Trần Thọ Huy cho biết thêm, với một số ngành, doanh nghiệp còn phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất với giá cao do bị đánh thuế chống bán phá giá. Đơn cử như trường hợp của công ty phải nhập khẩu thép để sản xuất. Không biết vì lý do gì mà từ nhiều năm qua, sản phẩm này luôn bị áp thuế chống bán phá giá lên đến hơn 20%. Do vậy, giá thành sản phẩm của công ty cũng bị đội lên đáng kể, khiến cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm đã khó càng thêm khó.

Da giày Việt Nam dù tăng sản lượng xuất khẩu nhưng gặp áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước do ngày càng nhiều những nhãn hiệu giày nổi tiếng thế giới đổ vào Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Thu hút doanh nghiệp ngoại đầu tư

Để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp nội phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu, cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải minh bạch hơn chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tài chính. Từ đó, tạo điều kiện cải tạo, đổi mới công nghệ sản xuất vốn đang rất lạc hậu. Mặt khác, xây dựng giải pháp để doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Có như vậy mới tăng giá trị trong sản phẩm xuất khẩu cũng như khẳng định mình trên thị trường nội địa. Đây là giải pháp để phát triển sản phẩm hỗ trợ tại chỗ, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp ngoại đầu tư. Đồng thời, cùng với việc cải thiện hạ tầng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hạ tầng đầu tư, Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trên thực tế, trong danh sách các quốc gia ưu tiên đầu tư mà doanh nghiệp châu Âu lựa chọn, Việt Nam luôn là điểm đến tiềm năng. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đang có 855 doanh nghiệp đầu tư tại đây. Và con số này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực và nỗ lực cải thiện chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam được minh bạch hơn.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục