Hàng rào thuế quan ASEAN được gỡ bỏ: Doanh nghiệp có đáng lo ngại?

Năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực, từ nay đến năm 2018 tất cả các hàng hóa trong cộng đồng này được giảm thuế suất thuế nhập khẩu về mức 0%. Các doanh nghiệp Việt Nam vốn có sức cạnh tranh yếu, liệu có đáng lo ngại? Giải pháp thuế như thế nào để vừa đảm bảo nguồn thu vừa khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển vẫn là bài toán khó…
Hàng rào thuế quan ASEAN được gỡ bỏ: Doanh nghiệp có đáng lo ngại?

Năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực, từ nay đến năm 2018 tất cả các hàng hóa trong cộng đồng này được giảm thuế suất thuế nhập khẩu về mức 0%. Các doanh nghiệp Việt Nam vốn có sức cạnh tranh yếu, liệu có đáng lo ngại? Giải pháp thuế như thế nào để vừa đảm bảo nguồn thu vừa khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển vẫn là bài toán khó…

Chỉ còn 7% hàng hóa phải giảm thuế

Theo cam kết Cộng đồng kinh tế ASEAN thì đến cuối năm 2018, hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ, 100% hàng hóa được cắt bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu về 0%. Điều này khiến các doanh nghiệp lo ngại sẽ có biến động lớn khi hàng hóa các nước tràn vào. Thế nhưng, thật ra trước đây, thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế xuống 0% (chiếm 72% biểu thuế xuất nhập khẩu). Và tiếp đến, trong năm 2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất 5% xuống 0%. Trong số còn lại thì hết 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan. Cụ thể là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5% bao gồm: gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả củ múi, thịt, gạo lứt, thịt chế biến, đường. Tính chung, hiện chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN phải thực hiện giảm thuế quan từ nay đến năm 2018. Đó là các mặt hàng nhạy cảm cần có lộ trình bảo hộ dài hơn, chủ yếu là sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất... Như vậy, số lượng lớn hàng hóa đã được cắt giảm thuế quan trong thời gian qua, số còn lại phải cắt giảm thuế rất ít, lại kéo dài thời gian trong 3 năm thì sẽ không tạo nhiều tác động đến thị trường, doanh nghiệp.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã diễn ra từ hơn 10 năm trước và đây chỉ là giai đoạn thực hiện cuối. Thời gian qua, công tác phổ biến, tuyên truyền được triển khai khá rộng rãi, các doanh nghiệp đã biết lộ trình các cam kết nên đã có biện pháp để tranh thủ cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập.

Sản xuất sữa bị ảnh hưởng nhiều từ việc cắt giảm thuế. Ảnh: CAO THĂNG

Có phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài?

Theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngoài những cơ hội trong hội nhập cũng có nguy cơ là Việt Nam sẽ bị phụ thuộc ngày càng tăng vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giảm đầu tư cho sản xuất trong nước. Nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mức độ ưu đãi về thuế nhập khẩu ngày càng cao. Theo ngành thuế, những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan là ngành ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, máy điều hòa, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền.

Bộ Tài chính cũng báo cáo, giai đoạn 2015 - 2020, ngành chăn nuôi, máy móc thiết bị sẽ bị tác động giảm thuế nhiều nhất. Máy móc thiết bị chịu tác động lớn khi thuế suất giảm vì hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu từ 37 nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính. Ngoài ra, theo hiệp định ATIGA, thuế suất nhập khẩu ô tô chở người dưới 9 chỗ sẽ về 0% vào năm 2018. Vấn đề này được xác định là một thách thức, bởi sau một thời gian dài bảo hộ và phát triển chính sách trong nước, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn phát triển chậm hơn so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc phải giảm thuế nhập khẩu theo quy tắc cuộc chơi quốc tế khiến chúng ta phải chịu sức ép hàng hóa nước ngoài tràn vào thì việc điều chỉnh thuế nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cũng cần được đặt ra. Bộ Tài chính làm sao phải điều chỉnh hệ thống thuế nội địa đảm bảo vừa sức dân, vừa đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta vẫn giữ mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao 25% như hiện nay thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tìm cách chuyển giá, lách thuế; còn các doanh nghiệp trong nước thì “nặng gánh” thuế, không cạnh tranh nổi. Do vậy, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thì mới giúp doanh nghiệp trong nước phát triển, đủ khả năng cạnh tranh hàng hóa với các nước trên thế giới.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục