Chiến tranh đã lùi xa nhưng mảnh đất A Lưới, Thừa Thiên - Huế đang gánh chịu hậu quả nặng nề bởi chất độc da cam (CĐDC). Đã 50 năm trôi qua, dư lượng của CĐDC vẫn gây nỗi đau ngấm ngầm và dai dẳng. Cho đến bây giờ, trong ký ức của nhiều người dân ở A Lưới, CĐDC luôn là nỗi kinh hoàng.
Quằn quại nỗi đau
Địa bàn huyện A Lưới phân bố dọc thung lũng với tổng chiều dài hơn 100km. Những địa danh chứa nhiều chất độc hóa học cũng là chiến trường ác liệt thời chống Mỹ đã đi vào lịch sử như đồi Thịt Băm, suối Máu, Sân bay A So, đèo Mẹ Ơi… Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: “Cả 20 xã và thị trấn của huyện đều có nạn nhân nhiễm CĐDC”.
Cho đến bây giờ trong ký ức của nhiều người ở A Lưới, CĐDC là nỗi kinh hoàng. Toàn huyện có 4.327 người nhiễm, nghi nhiễm dioxin. Trong đó, khoảng 2.500 người trực tiếp tham gia kháng chiến và con cháu của họ, số còn lại là dân thường.
Anh Hồ Nam Toàn (ở thị trấn A Lưới) có 3 đứa con bị ảnh hưởng CĐDC. Năm 1963, anh đi du kích hoạt động ở xã Hồng Bắc (A Lưới), 4 lần bị CĐDC phun trực tiếp vào người, phải điều trị tại Bệnh viện Quân y 268. Sau khi về A Lưới, anh cưới vợ và sinh được 4 con. Đứa con trai đầu 7 tháng thì mất, đứa thứ hai là Hồ Nam Hồng (20 tuổi) bị bại liệt. Một đứa khác bị câm điếc và một đứa bị sứt môi. Mười năm trước vợ anh qua đời do di chứng dioxin.
Gia đình chị Trần Thị Ly (33 tuổi), thôn A Vinh, xã Hồng Thái, cả 4 đứa con đều mang căn bệnh quái ác. Con cả Hồ Thị Don (17 tuổi) bại liệt toàn thân lúc mới sinh. Con thứ hai Phùng Văn Tiến bị hở van tim và chết năm 2005. Con thứ ba Phùng Thị Mỹ Tâm (6 tuổi) bị suy tim bẩm sinh. Bé Phùng Ngọc Tứ (3 tuổi) cũng bệnh tim bẩm sinh, viêm phổi và hở hàm ếch. Gần đây chồng chị cũng bỗng nhiên phát bệnh tâm thần rồi bỏ đi biệt tích. Không có đất đai, nghề nghiệp, mẹ con chị phải trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm và khoản tiền trợ cấp dioxin của con.
Đông Sơn “rốn” da cam
Xã Đông Sơn được xem như “rốn” da cam ở huyện A Lưới, bởi đây là vùng căn cứ quân sự cũ của Mỹ. Sân bay A So (nơi chứa và rửa máy bay chở dioxin) có hàm lượng dioxin trong đất lên tới 879,85 pg/g. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559 bộ đội Trường Sơn, nên Mỹ ra sức tàn phá cung đường này hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Năm 1991, chính quyền huy động nhân dân từ những vùng khác đến khai phá vùng “đất chết” này. Do ban đầu không biết, những người dân Đông Sơn đầu tiên dùng nước trong hố bom để uống và chăn nuôi. Chất độc dioxin đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây nên bệnh tật cho nhiều người dân. Bà Kăn Pươn (70 tuổi), thôn A Sam, cho hay: “Trước đây, khi người dân mới về lập làng. Thiếu nước, suối thì xa nên bà con tùy tiện uống nước ở các hố bom”.
Ông A Viết Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, cho biết: “Năm 2003, xã đã di dời 26 hộ dân đến nơi định cư mới để tránh bị ảnh hưởng dioxin. Hiện còn hàng chục hộ dân khác bị ảnh hưởng nặng nhưng chưa di dời được vì kinh phí hạn hẹp”.
Để giảm tác hại của CĐDC, một “hàng rào xanh” với hàng vạn cây bồ kết có chiều dài gần 3.000m trên diện tích gần 10ha, bao trọn một vùng được xem là “điểm nóng” chất độc dioxin tại sân bay A So đã được hình thành.
Vượt lên chính mình
Đến nhà ông Quỳnh Thu, tên khai sinh Phạm Hải Đót, sinh năm 1943, dân tộc Tà Ôi (xã A Ngo, huyện A Lưới) vào bất cứ lúc nào cũng nghe thấy tiếng rè rè, cảnh phun nước bọt tung tóe, nước mắt, nước mũi kèm nhèm của đứa con trai út 22 tuổi bị nhiễm CĐDC.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Quỳnh Thu đã 3 lần trúng chất độc hóa học dioxin. Ngày đất nước sạch bóng quân thù, ông trở về quê cũ làm ăn sinh sống, lập gia đình và có 6 người con. Nhưng thật bất hạnh, mỗi lần vợ ông sinh nở cũng là lúc ông phải nuốt nước mắt vì đứa con sinh ra tròn và đỏ như miếng thịt bò, đứa thì mắt lồi như con ếch, chân tay có màng như con vịt... Đứa con thứ sáu được 4 tháng tuổi, phát bệnh đầu to mềm nhũn. Đây là đứa con duy nhất còn sống, nay đã 22 tuổi và ngày đêm vợ chồng ông Quỳnh Thu phải thay nhau chăm sóc.
Từ năm 2005 đến nay, với cương vị là Phó Ban vận động, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện A Lưới, ông Quỳnh Thu đã vận động và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ban ngành với số tiền 50 triệu đồng xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; triển khai lập hồ sơ nhân chứng cho 20 đối tượng da cam để phục vụ cho vụ kiện tiếp theo đòi công lý, công bằng cho nạn nhân dioxin Việt Nam; xúc tiến việc xây dựng bảo tàng chứng tích chiến tranh hóa học tại sân bay A So; nhân rộng mô hình hiệu quả dự án trồng cây bồ kết xung quanh sân bay A So ngăn cách người dân và trâu, bò vào sân bay vì khu vực này có hàm lượng dioxin trong đất còn rất cao...
Cũng là bộ đội bị nhiễm dioxin ở A Lưới ông Mai Thế Bồi luôn cảm thấy xót xa mỗi khi nghĩ đến hình ảnh những đứa trẻ sinh ra từ những gia đình nhiễm CĐDC.
Ông Mai Thế Bồi tâm sự: “Năm 2000, tôi quyết định quay lại chiến trường xưa để vận động 7 đồng đội khác thành lập Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng nhằm tìm cách cải tạo đất đai và môi trường ô nhiễm”. Trung tâm đi vào hoạt động, một mặt ông Bồi cùng cộng sự phối hợp với các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt xây dựng một hàng rào dây thép gai vây quanh vùng đất khoảng 4ha tại khu vực sân bay A So, mặt khác vận động, giải thích về tính nguy hiểm của vùng đất ô nhiễm để bà con địa phương hiểu. Nhưng hàng rào không chưa đủ, nghĩ là làm, ông Bồi xin giống cây keo lá tràm về trồng. Tuy nhiên, do vùng đất nơi đây bị ô nhiễm quá nặng nên cây keo lá tràm sau một thời gian bị héo lá, chết rụi. Qua tư vấn của các nhà khoa học, ông Bồi trồng cây bồ kết - một loại cây dễ tính và đã cải thiện được phần nào “vùng đất chết”.
Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, chia sẻ, 36 năm kể từ ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian không nhiều nhưng cũng đủ dài để dựng xây một xã hội mới tràn đầy sức sống trên “mảnh đất chết”. Biết bao khó khăn, gian khổ đã diễn ra trên vùng đất này như để thử thách ý chí và tinh thần vượt khó của những người con đồng bào các dân tộc PaKô, PaHy, KơTu, Tà Ôi và Vân Kiều đang sinh sống trên mảnh đất A Lưới. Những tấm gương sáng như ông Mai Thế Bồi, ông Quỳnh Thu... luôn mãi là minh chứng để thấy rằng, dù đói khổ, bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù tàn phá, hủy diệt, nhưng đồng bào các dân tộc A Lưới đã một lòng son sắc đi theo Đảng, Bác Hồ, góp sức cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Và nay đang tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết giữa các dân tộc trong thời hội nhập, A Lưới từng bước thay da, đổi thịt, không ngừng phát triển vươn lên. |
Phan Lê - Văn Thắng - Quỳnh Anh