Hoạt động của hội người cao tuổi cấp khu phố mà tháng nào, quý nào cũng phải báo cáo lên cấp trên theo 4 biểu mẫu, 10 chỉ tiêu. Báo cáo 6 tháng và năm còn nhiều biểu mẫu và chỉ tiêu hơn nữa, không sao nhớ nổi. Có chỉ tiêu về “số hội viên thường xuyên tham gia tập dưỡng sinh” phải kiểm đếm hàng ngày, hàng tuần, rồi tổng hợp lại mới có thể báo cáo chính xác được. Có người nói với vị chủ tịch hội này là “ước lượng thôi”, nhưng ông bảo làm thế là báo cáo láo, báo cáo không chính xác…
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy trong thực tế căn bệnh “hành chính hóa” đã khá phổ biến trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Do có quá nhiều loại thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu báo cáo mà các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặt ra và yêu cầu các cấp phải thực hiện, nhất là các báo cáo thường kỳ, nên có tình trạng báo cáo mang tính đối phó. Cụ thể, nhiều báo cáo được “xào” về nội dung và số liệu từ các báo cáo kỳ trước, thêm thắt, sửa chữa vài ý để cho ra một “báo cáo đẹp” rồi gửi đi. Hay phổ biến là kết quả hoạt động của tổ chức này được “gán” cho tổ chức kia theo hình thức “phối hợp hoạt động”, một vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, một căn nhà tình thương được xây dựng, một phong trào nào đó được thực hiện, đã được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức cùng lúc báo cáo…
Tình trạng trên cho thấy, nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tế, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi đi vào thực hiện, nhiều bức xúc, quan tâm, kiến nghị của nhân dân về thực hiện các chủ trương, chính sách đã không được thể hiện một cách đầy đủ trong các văn bản, báo cáo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân. Đây chính là sự xa dân, thiếu thực tế từ việc hành chính hóa mà ra. Nói một cách khác giữa thực tế và kết quả thực hiện được thể hiện trong các văn kiện, báo cáo vẫn còn một khoảng cách. Khoảng cách sẽ còn dài ra, nếu chúng ta không chữa trị dứt điểm căn bệnh hành chính hóa này. Hậu quả của căn bệnh trầm kha này chúng ta đã từng thấy rõ qua các vụ việc khiếu kiện đất đai kéo dài ở các địa phương, tình trạng xuống cấp trong giáo dục, đạo đức suy đồi, tệ nạn xã hội trong một số đối tượng dân cư, tỷ lệ hộ dân “nghèo thật”, “giả nghèo”, số hội viên, thành viên ảo trong các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, những xã nông thôn mới “chạy thi đua”, năng suất cây trồng, vật nuôi trên giấy… Càng hành chính hóa, càng xa dân! Điều này ai cũng biết, và đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp và phương thức quản lý, vận hành trong tổ chức, bộ máy, từ các cơ quan hành chính nhà nước đến các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội cho phù hợp, thực chất hơn, làm cho người dân thấy rõ hơn khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện, giữa chính quyền với dân ngày càng được thu hẹp lại.