“Hành lang xanh” miền biên

Nhớ thời ăn rừng, ngủ bụi!
“Hành lang xanh” miền biên

Ai đó nếu một lần đến với Chư Mo Ray đều có chung cảm nhận, miền biên giới nằm trên hành lang đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa thật xa thẳm. Mo Ray được ví như cái “ốc đảo” nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. Lính biên phòng năm nào được nghỉ phép về quê ăn tết cũng dành gần nửa thời gian cho chuyến bộ hành từ đó về huyện lỵ Sa Thầy (Kon Tum). Xa xôi cách trở như thế nên có thể nói, suốt chặng đường phát triển đi lên của đất rừng biên giới Chư Mo Ray, dấu ấn người lính vẫn luôn là “gam màu” đậm nét nhất…

Đại tá Nguyễn Xuân Minh, Đoàn trưởng đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng lúa nước.

Đại tá Nguyễn Xuân Minh, Đoàn trưởng đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng lúa nước.

Nhớ thời ăn rừng, ngủ bụi!

Chư Mo Ray hôm nay đã có những bước tiến vượt bậc cả về kinh tế lẫn xã hội, thế nhưng mỗi chuyến lên đây công tác tôi lại bồi hồi nhớ đến câu chuyện về bé Y Đức, Y Thanh được lính biên phòng giải thoát khỏi một hủ tục lạc hậu; chuyện về Xã đội trưởng A Blé mạnh dạn đề xuất với Chính phủ cấp cho đồn biên phòng chiếc… máy bay trực thăng để anh em đi lại cho đỡ vất vả hay những đêm bộ đội chong đèn mang “con chữ” về đuổi “giặc dốt” nơi buôn làng… Những câu chuyện ấy, ngày mỗi ngày cứ lặng lẽ diễn ra để rồi kết tinh thành 2 chữ TÌNH NGƯỜI.

Chư Mo Ray hôm nay dẫu không còn những mối nguy cơ kìm hãm sự phát triển, đời sống vật chất tinh thần của bà con đã được cải thiện rõ nét, song “nét son” mà những người lính tạc vào vẫn đậm một màu xanh giữa đại ngàn đất rừng biên giới.

Cách đây hơn chục năm, ngày mới đưa cây cao su lên trồng trên đất Chư Mo Ray, những người lính thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 78 - Binh đoàn 15 luôn phải đối diện với một câu hỏi lớn: Làm thế nào để tồn tại và phát triển trên vùng “ốc đảo”? Giải bài toán hóc búa này chưa bao giờ là chuyện đơn giản nhưng bù lại, bộ đội luôn có niềm tin và thừa quyết tâm vượt khó.

Đại tá Nguyễn Xuân Minh, Đoàn trưởng, tâm sự: “Khó khăn đến đâu khắc phục đến đó, nhưng nhiều khi nghĩ lại thấy thương anh em quá. Đi khảo sát quy hoạch vườn cây, Đoàn trưởng có khi phải ăn rừng ngủ bụi, đầu trần chân đất đẩy xe chống lầy, rồi lội bộ hàng trăm cây số, anh em cũng phải cố mà theo. Giao thông cách trở nên nguồn thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày cho hàng ngàn con người trong quá trình khai hoang trồng mới cũng phải tự cung, tự cấp. Chúng tôi luôn động viên nhau vượt khó, bởi niềm tin cây cao su bén rễ rồi cho ra dòng nhựa trắng sẽ là cơ hội rất lớn để những ngôi làng đồng bào Jrai, Rơ Mâm dọc biên giới Chư Mo Ray chuyển mình vươn lên…”.

Và, quả thực đất rừng Chư Mo Ray không phụ công người. Vườn cao su của Đoàn KTQP 78 ngày càng được mở rộng, hình thành nên một hành lang xanh gần 3.000ha trên vùng biên giới và đang tiếp tục đầu tư mở rộng lên khu vực Nam Chư Mo Ray, thu hút hàng ngàn lao động, trong đó đặc biệt ưu tiên tuyển dụng đào tạo công nhân là con em đồng bào dân tộc tại chỗ. Đời sống của công nhân và bộ mặt nông thôn biên giới ngày càng được cải thiện đáng kể.

Riêng năm 2011, mức thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó có nhiều thợ khai thác giỏi tiếp cận được với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Hầu hết diện tích cao su của đơn vị đều đạt tiêu chuẩn “vườn cây năng suất cao” với tổng sản lượng mủ năm 2010 đạt 6.349,44 tấn, vượt 10,2% kế hoạch đề ra.

Điểm khởi đầu...

Cây cao su của những người lính bén rễ trên đất rừng Chư Mo Ray, là cơ sở vững chắc để người dân trong vùng phát triển mạnh mẽ mô hình cao su tiểu điền, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng dân cư biên giới giàu mạnh. Bằng nguồn quỹ phúc lợi từ sản xuất kinh doanh, Đoàn KTQP 78 đẩy mạnh công tác đầu từ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí giúp bà con phát triển kinh tế và làm công tác xã hội trên địa bàn. Riêng cây cao su tiểu điền, năm 2011 đơn vị đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng giúp bà con trồng mới 24ha, nâng tổng diện tích cao su của dân lên đến hàng trăm hécta… Dấu ấn của người lính Cụ Hồ cứ thế in đậm trên khắp các buôn làng biên giới với hàng loạt những mô hình, chương trình hành động thiết thực.

Đại tá Đoàn trưởng Nguyễn Xuân Minh cho biết quyết tâm của Binh đoàn 15 nói chung, Đoàn KTQP 78 nói riêng là phải hình thành trên vành đai biên giới Chư Mo Ray một “hành lang xanh”. Cái “hành lang xanh” ở đây có ý nghĩa rất rộng. Đó là màu xanh áo lính, màu xanh của cây trồng, màu xanh của hy vọng và chung quy lại đó chính là màu xanh của sức sống mới.

Để từng bước hiện thực hóa quyết tâm này, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động trong toàn đơn vị luôn bám sát quan điểm chỉ đạo công tác dân vận “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện xã; đội sản xuất gắn với thôn làng; hộ gia đình công nhân người Kinh gắn với gia đình đồng bào dân tộc tại chỗ” do Đảng ủy Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đề ra.

Đây có thể nói là phong trào có sức lan tỏa rộng lớn nhất và cũng cụ thể nhất từ trước đến nay của những người lính, nhằm không ngừng xây dựng củng cố tình đoàn kết quân dân trên vùng biên giới keo sơn gắn bó. Phong trào gắn kết hộ gia đình giờ đây thực sự là “tiêu điểm” trong tất cả mọi chương trình hành động của người lính Đoàn KTQP 78 và cũng từ đây xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động về tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, đoàn kết xóm giềng.

Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng bào Kinh, Tày, Mường, Jrai, Rơ Mâm trong vùng dự án luôn bên nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn, sẵn sàng giúp đỡ nhau kể cả những việc nhỏ nhặt nhất.

Tính đến thời điểm hiện nay, Đoàn KTQP 78 đã có 330 cặp hộ gia đình tổ chức lễ kết nghĩa đỡ đầu, phấn đấu đến cuối năm 2011, 100% hộ gia đình trong vùng dự án được gắn kết để tạo nên một thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc trên biên giới.

Thái Kim Nga

Tin cùng chuyên mục