Hạnh phúc từ đôi bàn tay

Hạnh phúc từ đôi bàn tay

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Đông Nghi không làm một nhà quản trị như đã ước mơ mà tình nguyện làm người chị, người cô của hàng chục em nhỏ bất hạnh…

Vượt qua bất hạnh

Hạnh phúc từ đôi bàn tay ảnh 1
Đông Nghi đang hướng dẫn một bé gái mới vào cơ sở những đường thêu đầu tiên

Trong căn nhà cấp bốn - phía trước treo tấm bảng “Cơ sở thêu gia công Đông Nghi” - nằm nép mình bên con lộ nhỏ của phường 4, thị xã Tân An, tỉnh Long An, hơn chục con người ngồi thêu lặng lẽ bên chiếc bàn lớn kê giữa nhà. Chính giữa bàn là một người con gái - tôi đoán là chị - đang ngồi dạy thêu cho một bé gái chừng mười tuổi. Chị bỡ ngỡ khi tôi giới thiệu mình là phóng viên, muốn gặp chị để viết bài. Song phút bỡ ngỡ cũng qua thật nhanh, chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau trước những ánh mắt tò mò của mười sáu bé gái.

Thông qua ngôn ngữ bằng tay, chị đã giải thích cho các em hiểu cái ông lạ hoắc này là ai, đến đây làm gì. Chỉ tay về phía các em, Đông Nghi cho biết các em ở đây đều bị câm và điếc, đa số đều có trí não chậm phát triển, chỉ có duy nhất một em bình thường nhưng lại bị tật ở tay. “Hoàn cảnh gia đình các em đều rất tội nghiệp”, Đông Nghi mở đầu câu chuyện với lời giới thiệu về các em nhỏ đang khó khăn thêu từng mũi kim.

Cuộc đời của Đông Nghi cũng gặp nhiều thăng trầm, biến cố. Theo lời kể của mẹ chị, năm 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ, chị bị một chiếc xe tải nổ lốp lao vào người. Vụ tai nạn khiến chị gãy tay và người em gái bị thiệt mạng. Đông Nghi suy sụp, chị dường như mất hết tinh thần, tưởng chừng không gượng dậy được. Sau sáu lần phẫu thuật, cánh tay của chị đã được chắp liền. Quyết tâm đi học trở lại, chị thi đỗ đại học ngành quản trị kinh doanh, với mơ ước sau này sẽ trở thành một nhà quản trị.

Ra trường năm 1998, Đông Nghi xin đi làm cho một công ty nhà nước. Ngoài giờ làm việc, chị thường ghé qua trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật của tỉnh Long An. Tại đây, chị đã dạy nghề thêu cho các em, cái nghề mà chị đã được từ mẹ chỉ dẫn từ khi chị còn bé.

Đến năm 2002, chị mở cơ sở thêu gia công hàng xuất khẩu, với ước mong nhận những trẻ tật nguyền về dạy nghề. “Khỏi phải nói, đã là dạy nghề - mà là nghề thêu, cái nghề cần đến sự khéo tay, tỉ mỉ - cho các em khuyết tật này vất vả như thế nào. Song mình đã cố công dạy cho các em từng đường kim mũi chỉ, với hy vọng sau này các em có thể tự nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”, Đông Nghi tâm sự.

“Cô tiên” giữa đời thường

Không những dạy thêu, những giờ rảnh, Đông Nghi còn dạy cho các em học vi tính, Anh văn và dẫn các em đi tham quan các nơi. “Ngoài việc dạy các em, đôi khi mình còn học được từ các em những đức tính vô tư, lạc quan để mình có đủ dũng khí đối mặt với cuộc sống. Mình đã học và giao tiếp được với các em bằng chính ngôn ngữ của các em”, Đông Nghi khoe.

Đến nay, đã có gần 40 em nhỏ tật nguyền được chị dạy thành nghề. Hầu hết các em đều đã tự nhận hàng về nhà làm, với thu nhập mỗi tháng được khoảng từ 600.000 đến 800.000đ, cá biệt có em thu nhập hơn 1 triệu đồng - một khoản tiền không nhỏ đối với ngay cả những người lành lặn.

Tiếng lành đồn xa, có những gia đình ở tận Tiền Giang cũng đã tìm đến chị để gửi con mình, với mong muốn học được cái nghề để sau này tự lo cho bản thân và quan trọng hơn là các em được lao động, được tiếp xúc với bạn bè để không còn cảm thấy cô đơn.

Suốt quãng thời gian học việc ở cơ sở, các em được Đông Nghi lo cho tất cả. Từ cái ăn đến vui chơi và cả những giấc ngủ. Tất cả như một gia đình, cùng nhau sinh sống và làm việc. Mỗi chiều cuối tuần, những ông bố, bà mẹ của các em đến cơ sở đón con về với niềm vui rạng ngời khi đứa con tật nguyền của mình giờ đã yêu đời hơn, năng động hơn. Sự quan tâm của Đông Nghi dành cho các em đã sưởi ấm những tâm hồn khuyết tật.

Cơ sở thêu gia công hàng xuất khẩu Đông Nghi chính là mái ấm cho các em khuyết tật, nơi các em tìm thấy mình, để tạo hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh. Ẩn trong từng đường kim mũi chỉ của những đứa trẻ tật nguyền là bức thông điệp: “Các em tàn nhưng không phế”. 

“Thông thường những đứa trẻ khiếm khuyết về cơ thể thường hay thu mình lại, nghi ngại khi tiếp xúc với người ngoài. Nhưng rồi qua năm tháng, các em đã tin tưởng vào mình vào cuộc sống và ngày càng gắn bó với nhau hơn. Mỗi khi dạy được cho những đứa trẻ khiếm thính biết thêu và chúng dần làm ra tiền để đem về cho gia đình, mình rất hạnh phúc”, Đông Nghi tâm sự.

Chị Trừ Thị Ngọc Cẩm, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, mẹ của bé Hồng Cẩm xúc động nói: “Trước đây tôi rất lo lắng cho con. Tuy đã gần 20 tuổi, nhưng đầu óc cháu như một đứa trẻ. Khi nghe tin chỗ cô Đông Nghi nhận trẻ em khuyết tật về dạy thêu, tôi đã bàn với gia đình cho cháu đến đó học. Đến nay không những cháu đã học thành nghề mà còn có lương đem về. Với tôi, thật khó có niềm vui nào lớn hơn”.

Chí Dân

Tin cùng chuyên mục