Hành trình đòi đất của nông dân quận 2: Bao giờ kết thúc?

Hành trình đòi đất của nông dân quận 2: Bao giờ kết thúc?

Báo SGGP ra ngày 27-12-2007 và 12-6-2008 có đăng các bài viết: “Hành trình 17 năm đi đòi lại đất của các lão nông” và “Giải quyết khiếu kiện, khiếu nại ở quận 2: 17 năm vẫn chưa... ngã ngũ”, phản ánh tình trạng nông dân quận 2 bị mất ruộng trong suốt hơn 17 năm qua.

Sau đó, UBND quận 2 đã hai lần gửi công văn yêu cầu đích danh Chủ tịch UBND phường Cát Lái và Chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi đứng ra giải quyết những vướng mắc, tồn đọng liên quan đến quyền lợi của các hộ nông dân. Thế nhưng đến nay “quả bóng trách nhiệm” lại được chuyền lên quận, tiếp tục “chờ xử lý”...

Quận chỉ đạo, phường... làm thinh

Hàng chục hộ dân ở phường Cát Lái đã khấp khởi vui mừng hy vọng những ngày khiếu nại kéo dài sẽ kết thúc sau những phiên họp hòa giải của UBND phường được tổ chức hồi tháng 2-2008. Nhưng cho đến nay, đã 5 tháng trôi qua, vẫn chưa có câu trả lời nào cho thấy quyết tâm giải quyết của chính quyền địa phương trong vấn đề tranh chấp, thu hồi đất của các hộ nông dân này.

Hành trình đòi đất của nông dân quận 2: Bao giờ kết thúc? ảnh 1

Bà Trần Thị Kiểu xót xa bên thửa ruộng trước đây của mình giờ đang bị bỏ hoang.

Điều đáng nói là UBND phường Thạnh Mỹ Lợi lại “làm thinh” trước chỉ đạo của UBND quận trong việc giải quyết vấn đề. Quá bức xúc, bà Trần Thị Kiểu, một trong các hộ dân bị mất ruộng, tiếp tục đưa đơn khiếu nại lên phường.

Đáp lại, UBND phường cho biết “phường không có thẩm quyền giải quyết”, đề nghị lên quận. Khi bà Kiểu lên quận, cán bộ quận lại nói việc này đã giao cho phường. Không biết làm gì hơn, bà Kiểu chỉ còn biết… khóc! Thấy vậy, một cán bộ phòng tiếp dân của UBND quận 2 mới đưa ra hai công văn mà quận đã gửi về phường cho bà Kiểu xem.

Công văn số 255, đề ngày 10-1-2008, có nội dung: “Giao Chủ tịch UBND phường Cát Lái và UBND Thạnh Mỹ Lợi chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên-Môi trường, Thanh tra quận tổ chức thực hiện (giải quyết khiếu nại ruộng đất-PV)”. Tuy nhiên, UBND Thạnh Mỹ Lợi đã không thực hiện chỉ đạo nói trên.

Ngày 12-5, UBND quận 2 lại tiếp tục có công văn số 3418 ghi rõ: “UBND quận 2 giao Chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi khẩn trương kiểm tra, đôn đốc thực hiện chỉ đạo của UBND quận 2 tại công văn số 225 và có báo cáo, đề xuất việc điều phối sử dụng đất của các hộ để UBND quận xem xét, giải quyết trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản này”.

UBND phường Thạnh Mỹ Lợi vẫn tiếp tục… làm thinh! Cho đến khi bà Kiểu cầm cả 2 công văn, photocoppy từ UBND quận mang đến Chủ tịch phường Thạnh Mỹ Lợi thì UBND phường mới tổ chức buổi hòa giải vào ngày 23-6.

Tại buổi hòa giải, ông Lư Tấn Tân, Phó Chủ tịch phường, đọc bản quyết định của UBND quận 2 từ năm 2003, về việc… giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Nữa (người chiếm đất -PV), thông báo đã cấp sổ đỏ cho ông Nữa, rồi mời các hộ dân bị chiếm đất ra về, chờ thông báo sau (!?).

Ruộng để hoang, nông dân thất nghiệp

Sau 20 phút đi xuồng máy từ bến phà Cát Lái về hướng Sài Gòn, chúng tôi có mặt ở cánh đồng Ông Vạn, nơi có ngọn hải đăng mà người dân địa phương quen gọi là “cây bali”. Mười mấy năm bỏ hoang, giờ đây cỏ đã mọc um tùm, cao đến nửa thân người, khó có thể nhận ra nơi đây một thời là ruộng lúa xanh mướt bên bờ sông Sài Gòn.

Vừa lần tìm lại vết tích bờ bao ruộng nhà mình, bà Trần Thị Kiểu, năm nay đã 73 tuổi, xót xa kể: “Hồi xưa tụi tui đi làm ruộng vui lắm. Mười mấy năm không được cuốc cày gặt hái, thỉnh thoảng tui vẫn chạy ra đây nhìn cho đỡ nhớ ruộng. Mình nghèo, chỉ muốn làm ruộng đặng có gạo ăn”.

Trước đây, gia đình bà Kiểu có cả thảy hơn 5.000 m2 đất ở cánh đồng Bà Nghị. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, bà đưa đất vào Hợp tác xã Nông nghiệp 1 (huyện Thủ Đức cũ) và được chia lại 2.175m2 ở đồng Ông Vạn, mặc dù gia đình có tới 9 nhân khẩu. Lúc đó bà Kiểu đang làm việc trong Hội Phụ nữ xã, nghĩ mình hơi thiệt thòi một chút cũng được, không nên than phiền, ảnh hưởng uy tín của tổ chức. Vậy nhưng bà cũng không yên.

Năm 1991, ông Trần Văn Nữa chiếm ruộng của bà Kiểu và các hộ lân cận. Bà kiện, chính quyền kêu lên hòa giải. Hòa giải không được, năm 1998, UBND quận 2 ra quyết định thu hồi. “Tiếng là thu hồi đất ông Nữa chiếm trái pháp luật, để tiến hành chia lại cho chúng tôi, nhưng rồi cuối cùng, “người làm trái pháp luật đó” lại được chia ruộng, những trên 6.000m2, còn chúng tôi - những nạn nhân - thì không ai đếm xỉa tới”, bà Kiểu ngao ngán nói.

Từ ngày không còn ruộng, hai vợ chồng bà Kiểu phải chia nhau đi ăn ké cơm nhà con và thay nhau đi khiếu nại. Năm 2000, ông mất, một mình bà tiếp tục hết lên quận lại xuống phường kêu cứu!

Cũng bị “bóc” khỏi ruộng đất, hơn 10 năm nay hai anh em ông Phạm Văn Kết, Phạm Văn Xiếu ở phường Cát Lái phải mượn tiền mua xe gắn máy chạy xe ôm nuôi vợ con. Hiện, ông Kết và ông Xiếu là những người lớn tuổi nhất trong Nghiệp đoàn xe ôm quận 2 và là “khách hàng” thường xuyên của Quỹ trợ vốn CEP. Gặp khi xe hư hoặc vắng khách, họ lại phải vay lúc 1 triệu, khi 3 triệu đồng để có tiền trang trải, rồi trả góp mỗi ngày 15.000- 30.000 đồng.

Hoàn cảnh vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngọ còn bi đát hơn nhiều. Không biết làm nghề gì, hai vợ chồng sắm quang gánh đi bán dạo sương sa. Giờ mắt đã mờ, gối đã mỏi, không đi nổi nữa, nhưng hết gạo, họ lại phải gánh hàng lê bước. Xấp xỉ tuổi 80, không con, không cháu, không biết mai này hai vợ chồng già sẽ nương tựa vào đâu?

Một vị cán bộ địa chính phường từng “khuyên” những nông dân này đừng đi khiếu nại nữa, vì đất đã được cấp sổ đỏ cho người khác rồi! Nghe vậy, họ mất hết hy vọng, đành gạt nước mắt ra về.

Nhưng nghĩ phi lý, ruộng của mình bị thu hồi, phần cấp lại cho kẻ chiếm đất, phần bỏ hoang, không thể chịu được; vả lại, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đã quen làm nông, không cuốc, không cày thì làm gì để sống? Thế là họ lại tiếp tục hành trình khiếu nại. Thấm thoát đã gần 18 năm trôi qua…  

QUÝ LÂM

Tin cùng chuyên mục