Sài Gòn - những ngày đầu sau khi thành phố được giải phóng – như muốn bùng vỡ trong cao trào cách mạng, với các phong trào hấp dẫn hàng triệu thanh niên. Và, tuổi trẻ chúng tôi như những chàng Paven trong Thép đã tôi thế đấy, đã lao vào phong trào một cách hồn nhiên, vô vụ lợi, cùng ăn cùng ở cùng làm. Chính những năm tháng này tôi ở trường nhiều hơn ở nhà. Đêm cũng như ngày, ngoài những giờ tập văn nghệ cho các bạn sinh viên là thời gian tôi dành cho công việc soạn nhạc, viết những ca khúc cho sinh viên ca hát.
Tôi trưởng thành từ phong trào của sinh viên nói riêng, và từ phong trào đoàn thanh niên nói chung. Chính vì thế, bên cạnh việc sáng tác những khúc tình ca, tôi viết rất nhiều bài hát cho thanh niên và sinh viên thành phố. Song, phải đi mới viết được. Những chuyến đi thực tế sáng tác, những chuyến đi công tác hoặc bất cứ đi vì lý do gì cũng thường đánh thức trong tôi những cảm xúc âm nhạc. Và, tôi đều ghi lại những giai điệu chợt đến chợt đi.
Cuối tháng 7 năm 1978 cùng với các bạn sinh viên khóa A Trường Đại học Kinh tế TPHCM, tôi đến biên giới Tây Nam (tỉnh Tây Ninh). Những ngày ở biên giới trong tiếng súng ầm vang tôi đã viết ca khúc Chiều biên giới với âm hưởng dân ca Nam bộ: …Chiều biên giới, tiếng ai ca trong căn nhà nhỏ, tiếng mẹ ru giữa ngàn tiếng súng ầm vang. Chiều biên giới, biết mấy thân thương ngàn bước chân còn vương mùi đất mới, tay súng bên mình giữ từng tấc đất quê hương.
Sáu năm sau, tháng 12 năm 1984, tôi đi cùng các bạn sinh viên và giảng viên các trường đại học ở thành phố đi thăm và tặng quà cho các chiến sĩ nơi biên giới Lạng Sơn. Những ngày sống trong các lán trại giữa núi rừng thâm u, sương mù lạnh giá, tôi đã viết được một ca khúc sâu lắng ẩn chứa biết bao kỷ niệm: Có những giọt sương trắng rơi trên tóc anh, mà chẳng hề rơi trên đầu súng; có những giọt sương trắng rơi trên áo anh, đọng lại tận tim tôi tình yêu. Mưa rừng, như những giọt sương trên tóc anh. Mưa rừng, buốt giá mà sao anh vẫn vui...
17 năm công tác trong Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tôi viết rất nhiều ca khúc cho thanh niên cả nước. Có một kỷ niệm đáng nhớ, năm 1996 Trung ương Hội LHTNVN yêu cầu tôi viết cho cuộc hành trình nối vòng tay lớn, với yêu cầu phải có nội dung hiến máu nhân đạo. Cái khó ở chỗ đấy! Nếu hô khẩu hiệu hiến máu nhân đạo cứ đưa cụm từ ấy vào lời ca thì quá dễ, nhưng tôi không muốn thế.
Nửa tháng sau, khi tôi đưa bài và hát cho các bạn nghe: Lên rừng xuống biển tuổi thanh xuân như chim tung bay, đến với núi rừng hay hải đảo xa. Một trái tim tình nguyện, một dòng máu quê hương, đâu cần là thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Nối vòng tay lớn: Bắc, Trung, Nam anh em một nhà, nối vòng tay lớn: cuộc hành trình tuổi xuân chúng ta… các bạn hỏi liền: Đâu? Hiến máu nhân đạo đâu? Tôi cười, tại các bạn không để ý đấy: Một trái tim tình nguyện, một dòng máu quê hương, đâu cần là thanh niên có, đâu khó có thanh niên nếu không phải nói lên ý nghĩa hiến máu nhân đạo thì là gì!
Hàng năm, tôi đều đi cùng với các sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh của Trường Đại học Kinh tế TPHCM và đã viết rất nhiều bài cho phong trào sinh viên tình nguyện của thành phố. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2010 tôi tham gia Kỳ nghỉ hồng do Ban Công nhân Lao động thuộc Thành đoàn TPHCM tổ chức. Nếu sinh viên có Mùa hè xanh thì các công nhân, các y bác sĩ có Kỳ nghỉ hồng. Gọi là nghỉ chứ họ làm việc rất tận tụy và mệt nhọc: đến với các vùng xa xôi trên đất bạn như ở nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia để khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cũng như tập huấn kiến thức về trồng cây cao su, trồng lúa, hoa màu, phổ cập tin học, xây dựng mô hình hệ thống sử dụng nước sạch, an toàn trong sử dụng điện, nước… Một số ca khúc: Kỳ nghỉ hồng mãi nhớ, Ký ức Trường Sơn, Tình Việt – Lào noọng ơi!, Tạm biệt bạn thân yêu, Ngày hồng ở Kampuchia, Ước mơ hồng đã ra đời trong dịp đó.
Một nhà báo hỏi trong số các ca khúc viết cho thanh niên, tôi thích nhất bài gì, tôi đã trả lời: mỗi một bài đều có những kỷ niệm và ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau tôi đều yêu mến, tôi chưa so sánh bao giờ. Nhưng có lẽ có hai bài tôi thích nhất là: Hành khúc tuổi trẻ và Hành trình tuổi hai mươi. Hành khúc tuổi trẻ tôi viết năm 1987 và được chọn làm bài hát chính thức của đại hội Thành đoàn TPHCM cùng năm ấy.
Đó là giai đoạn khởi động thời kỳ đổi mới của đất nước nên có nhiều trăn trở, xin được trích lời bài hát thay lời kết của bài viết này: Từ khắp nơi về đây trong tình yêu và khát vọng, rực cháy trong lòng ta bao niềm tin. Vì khó khăn còn đây đêm ngày ta luôn thao thức. đất nước thân yêu đang đón chờ. Bên nhau trong gian khó mới hiểu thêm từng tấm lòng; vượt đường dài mới biết ai chân tình. Yêu sao bao tiếng hát chung niềm tin và khát vọng, bền lòng cùng đi tới xây ngày mai…
Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN HIÊN