Nhìn từ đỉnh Thiên Cấm Sơn, rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) nổi lên như một viên ngọc xanh khổng lồ giữa biển nước mênh mông. Với diện tích rừng đặc dụng rộng gần 1.500ha, có hơn 100 loài động vật hoang dã sinh sống, cùng 23 loài cá, 140 loài thực vật phong phú…, rừng tràm Trà Sư trở thành địa chỉ du lịch lý tưởng đối với những du khách yêu thiên nhiên trong lành, thích hòa mình với đời sống người dân vùng sông nước.
Vào thời điểm này, nước lũ đã xóa đi các bờ đê, biến những cánh đồng xung quanh rừng tràm Trà Sư thành biển nước mênh mông. Phía trong rừng tràm, khắp nơi cũng toàn là nước. Những thân cây tràm vốn trơ rễ vào mùa khô thì nay đã chìm hẳn trong nước, xen giữa rừng tràm là những con kênh dài hút mắt. Len lỏi giữa những tán lá tràm, du khách có thể quan sát toàn bộ sự sống của những loài động vật hoang dã, trong đó, nhiều động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Vào buổi chiều, khi hàng trăm loài chim kéo về trú ngụ trong rừng tràm, du khách có cảm giác như lạc vào thế giới cổ tích…
“Nhờ năm nay nước lớn, du khách đến tham quan rừng tràm Trà Sư tăng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Ngoài lượng khách trong tỉnh, nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế cũng đăng ký tour đến tham quan rừng tràm Trà Sư” - chị Đinh Thị Mỹ Lan, cán bộ phụ trách du lịch của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, vui mừng thông báo.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Trạm kiểm lâm Trà Sư vừa trang bị thêm hai chiếc tắc ráng với sức chứa 15 khách/chiếc, vừa phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, vừa dùng để đưa du khách tham quan rừng tràm. Đồng thời, tại đây cũng đã cất mới một số lán trại giữa rừng để phục vụ cho du khách nghỉ ngơi, ăn uống tại chỗ...
“Dù đã từng đến đây rồi nhưng tôi vẫn thấy thú vị khi trở lại rừng tràm Trà Sư. Vào rừng tràm, tự nhiên cảm thấy tâm hồn thanh thản, không khí thoáng mát, trong lành cộng với tiếng chim gọi nhau về tổ như làm cho mình được gần với thiên nhiên hơn”- cô Nguyễn Thị Bạch Yến, cựu giáo chức ở huyện Phú Tân, An Giang, chia sẻ.
Với nhiều du khách nước ngoài, rừng tràm Trà Sư giống như một món quà quý hiếm mà họ không thể tìm được ở nơi khác. “Phong cảnh quá đẹp, con người sống chan hòa với thiên nhiên, chim chóc, thức ăn lại ngon (cười). Tôi thích nhất là được bắt cá cùng với người dân miền sông nước”- một du khách người Đức bộc bạch.
Nếu như trước đây, rừng tràm Trà Sư chủ yếu đón khách vào tham quan, ăn uống rồi về chứ khó giữ chân khách nghỉ qua đêm thì hiện nay, nhờ có dự án du lịch sinh thái (do Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức), mô hình du lịch của Trà Sư trở nên hấp dẫn hơn. Tại đây, mỗi ngày, 5 hộ dân tham gia dự án đón từ 30-40 du khách đến ăn uống, nghỉ ngơi sau khi tham quan rừng tràm Trà Sư.
Gia đình ông Lê Văn Màng ngụ ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên là hộ dân đầu tiên tham gia dự án du lịch sinh thái từ năm 2007. Tận dụng nguồn cá đánh bắt được vào mùa nước nổi, vợ chồng ông chế biến thành các món ăn đồng quê phục vụ du khách. Ngoài ra, ông còn bố trí cho khách nghỉ lại qua đêm và giao lưu văn nghệ với người dân địa phương.
Theo lời ông Màng, bình quân với một du khách trong nước, ông có thể thu được trên 100.000 đồng phí ăn uống, nghỉ ngơi; còn với khách quốc tế thì thu được gấp đôi. Khách đến cũng hài lòng mà cuộc sống của những hộ dân nơi đây cũng ấm no hơn.
Với mô hình này, An Giang đang ngày một “xã hội hóa” ngành du lịch, nhà nhà đều có thể tham gia với địa phương trong mô hình du lịch sinh thái miền sông nước.
Theo đánh giá của ngành du lịch tỉnh, từ mô hình trên cùng với việc An Giang đang đầu tư và phát triển thêm nhiều khu du lịch sinh thái khác sẽ giúp cho tỉnh có thêm thế mạnh để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư một cách bền vững nhất.
THOẠI GIANG