Hát bên mái đình làng

Làng Tường Lộc được thành lập vào năm 1836, do ông Lưu Văn Phụng (tự Đức Loan), có công khai phá đất hoang lập nên để con cháu sinh cơ lập nghiệp và phát triển đến ngày nay. Sau khi ông mất, dân làng lập đình tôn thờ ông như một vị Thành Hoàng. Ông được vua Tự Đức sắc phong chánh Thần đình Tường Lộc năm Nhâm Tý (1852).
Hát bên mái đình làng

Làng Tường Lộc được thành lập vào năm 1836, do ông Lưu Văn Phụng (tự Đức Loan), có công khai phá đất hoang lập nên để con cháu sinh cơ lập nghiệp và phát triển đến ngày nay. Sau khi ông mất, dân làng lập đình tôn thờ ông như một vị Thành Hoàng. Ông được vua Tự Đức sắc phong chánh Thần đình Tường Lộc năm Nhâm Tý (1852).

  • Ngôi đình làng

Để nhớ ơn người có công khai khẩn đất hoang thành làng Tường Lộc huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long hôm nay, hàng năm Hội Hương đình Tường Lộc đều tổ chức 2 lần lễ cúng kỳ yên: Hạ điền vào ngày 16-3 Âm lịch, người dân trong làng khai đập, dẫn nước vào ruộng bắt đầu công việc đồng áng.

Lễ Thượng điền vào ngày 16-11 Âm lịch để mừng ruộng đồng đã thu hoạch xong, lúa chất đầy bồ, dân làng tề tựu về đình làm lễ tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, trúng mùa no ấm và cúng thần đình mâm xôi nếp mới. Không chỉ người dân trong xã Tường Lộc mà cả những người ở các xã lân cận và những người quê hương Tam Bình đang sinh sống nơi xa cũng về cúng bái đông đảo.

Lễ cúng đình. Ảnh: HOÀNG VÂN

Lễ cúng đình. Ảnh: HOÀNG VÂN

Ngôi đình đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong lòng mọi người dân Tường Lộc, nơi thể hiện bản sắc đặc thù của mỗi địa phương, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của dân làng thông qua các dịp cúng kỳ yên.

Những dịp cúng đình vui còn hơn ngày tết. Bà con xóm trên xóm dưới với nét mặt rạng rỡ tươi vui, người mang mâm xôi, người bưng rổ bánh ít, bánh tét… ai có gì mang cúng thứ nấy với cả tấm lòng thành kính. Ngày hội cúng đình đã trở thành ngày truyền thống của tình làng nghĩa xóm, xóa bỏ hết mọi hiềm khích tư thù, bà con cùng ngồi lại với nhau để bàn chuyện làng chuyện xóm. Tiếng trống cúng đình đã trở thành những hồi trống thiêng liêng, vang lên trong tình cảm, trong ký ức không thể nào quên của người dân Tường Lộc. Trong những tiếng trống ấy, ắt hẳn mọi người còn nhớ tiếng trống của những đoàn hát bội về làng.

Thuở ấy, cứ mỗi khi lúa ngoài đồng thu hoạch xong, kết hợp tháng giêng là tháng ăn chơi, có vui thú nào bằng khi có đoàn hát bội về làng. Cứ chiều đến, nhà nào cũng lo nấu cơm sớm để tối đến đi xem hát bội tại đình. Khuya lơ khuya lắc, hát bội mới vãn tuồng, những ánh đuốc lập lòe sáng cả sân đình dẫn về tận chân vườn xa, vang lên tiếng nói cười thỏa thích, rồi hẹn nhau tối hôm sau gặp lại tại sân đình xem hát bội.

  • Ngày hội cúng đình

Chúng tôi về dự lễ cúng đình làng Tường Lộc vào đêm rằm tháng 11 Âm lịch với bao ngỡ ngàng lẫn vui mừng. Vì ngày cúng kỳ yên đình làng Tường Lộc đã được UBND huyện Tam Bình tổ chức ngày hội văn hóa đình làng, có hội thi văn nghệ, trò chơi dân gian, tặng quà học sinh nghèo học giỏi, càng làm ngày lễ kỳ yên thêm ý nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên con đường làng sáng tỏ ánh trăng, nhộn nhịp bước chân người với râm ran tiếng nói cười, rộn rã cả một vùng quê.

Đêm nay không như những đêm lặng lẽ thường ngày ở nông thôn khi nhà nhà đóng cửa ngủ sớm sau một ngày đồng áng vất vả nhọc nhằn. Đêm nay, mọi người nôn nao cùng kéo đến đình Tường Lộc (huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long) xem hội thi văn nghệ quần chúng, một cuộc thi tài ca hát xưa nay chưa từng diễn ra bên mái đình làng.

Cuộc thi tài diễn ra giữa các giọng ca ở 6 xã của huyện Tam Bình và 2 xã Hòa Bình, Nhơn Bình huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Sau khi qua 2 vòng sơ khảo, có 15 thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng. Các thí sinh mới hôm qua là những chàng trai, cô gái sớm nắng chiều mưa, trên đồng cạn dưới đồng sâu, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bỗng hóa thành những nam thanh nữ tú. Các cô gái với chiếc áo dài duyên dáng thướt tha, các chàng trai với áo sơ mi thắt cà vạt lịch sự, bảnh bao làm cho hội thi thêm phần trang trọng, nghiêm túc.

Chị Lưu Lệ Quyên, 54 tuổi, thí sinh lớn tuổi nhất, trong chiếc áo dài xinh xắn, bộc bạch: “Hội thi văn nghệ quần chúng “Hát bên mái đình làng” tuy lần đầu tiên tổ chức tại đình Tường Lộc nhưng được bà con nông dân hưởng ứng hết mình. Tôi đăng ký dự thi để cổ vũ phong trào là chính, tôi già rồi hát ai nghe”. Chợt từ trong đám đông khán giả một giọng nói hóm hỉnh vang lên: “Có tôi nghe”. Thì ra đó là tiếng của ông xã chị Quyên đến cổ vũ vợ mình thi hát.

  • Hội thi văn nghệ

Sân đình bấy lâu vắng lặng, chỉ có gió lùa hàng dương vi vu, buồn hiu hắt, hôm nay ồn ào náo nhiệt với người qua kẻ lại, có cả sân khấu hoành tráng, thiết kế công phu, trang trí đẹp đẽ. Dàn nhạc cứ vang lên những ca khúc sôi nổi như thúc giục mọi người đang còn chậm rãi tận chân vườn xa mau đến với hội thi. Ông Nguyễn Văn Kha, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tam Bình, Trưởng ban tổ chức hội thi “Hát bên mái đình làng”, cho biết: “Lễ cúng đình diễn ra vào ngày 16, nhưng vào đêm rằm 15 là lễ cúng Thần Nông. Trong đêm rằm, bà con đến dự rất đông và tổ chức văn nghệ mang tính phong trào để mọi người cùng vui hát với nhau”.

Đêm văn nghệ càng thêm ý nghĩa hơn khi ban tổ chức tặng quà cho 40 học sinh nghèo học giỏi của 8 xã tham gia hội thi văn nghệ. Nguồn kinh phí do Ban liên lạc đồng hương Tam Bình tại TPHCM vận động đóng góp. Ông Phạm Quốc Trí, Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc đồng hương Tam Bình, cảm kích: “Chúng tôi là những người con xa xứ của Tam Bình, trong tâm tư tình cảm của mình lúc nào cũng nhớ về quê nhà. Hơn ai hết, chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh của các cháu học sinh nghèo, phải vượt qua biết bao gian khổ để đến trường, giống như chúng tôi ngày xưa. Phần quà tuy không đáng là bao, nhưng cũng thể hiện tình đồng hương, nhằm động viên các cháu học thật giỏi”.

Đêm diễn kết thúc, mọi người ra về từ lâu, sân đình trở lại sự tĩnh lặng, nhưng ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình và vài dân làng vẫn chưa về, dường như âm vang tiếng hát vẫn còn đọng trong lòng của họ. Ông Đức nói: “Văn hóa văn nghệ là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hội thi “Hát bên mái đình làng” bắt nguồn từ trong cội rễ của sinh hoạt văn hóa dân gian đình làng, một sinh hoạt tâm linh mang tính truyền thống của người dân. Từ điểm xuất phát đúng đắn đó, chính là bước khởi đầu để xây dựng văn hóa văn nghệ trong sinh hoạt cộng đồng của nông thôn mới”. 

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục