Những câu hát cứ được nhắc đi nhắc lại: “Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta, vẫn hát khúc quân hành ca”… được xướng lên từ các thế hệ nghệ sĩ khi kết thúc đêm biểu diễn nghệ thuật đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” vẫn còn âm vang trong đầu tôi đến hôm nay…
Hát mãi khúc quân hành như một câu chuyện kể bằng những hình ảnh kết hợp với phần trình diễn của các nghệ sĩ được tái hiện một cách sống động. Âm nhạc được chọn kỹ kết hợp nhuần nhị những hình ảnh của video clip tư liệu với âm thanh cùng hiệu ứng của ánh sáng tạo nên sự sống động, hấp dẫn trên sân khấu.
Đạo diễn và biên tập của chương trình đã lật lại những sự kiện từng giai đoạn trong 61 năm trôi qua nhưng chỉ cô đọng lại khoảng một giờ đồng hồ, đủ cho mọi người có thể cảm nhận được về quá khứ tự hào này…
Chuyện kể rằng: Ngày ấy bên bờ sông Lô hiền hòa có một đoàn văn công…
Bài hát Trường ca sông Lô cùng dàn nghệ sĩ múa với những cành lá cọ minh họa đã đưa người xem trở lại với dòng sông Lô hiền hòa, thơ mộng với Rừng cọ đồi chè của miền Trung du Bắc bộ nơi khai sinh ra Đoàn Văn công Trung ương thuở ấy, rồi tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Pháp với Hò kéo pháo tới niềm vui của quân dân Tây Bắc trong điệu múa sạp mừng Chiến thắng Điện Biên…và Tiến về Hà Nội với Người Hà Nội bước tiếp sang một trang sử mới đau thương nhưng bất khuất anh hùng của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.
Hình ảnh từng chiếc máy bay B52 lừng lững cất cánh rời đường băng và bom rơi xuống Hà Nội trút tang tóc xuống người dân thủ đô hiền lành khiến tôi - người đã từng nhiều lần chứng kiến B52 dội tại chiến trường miền Nam ngày nào phải giật thót người…, một cảm giác nặng trĩu, con tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực bởi hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng hiện đại.
Tôi có cảm giác như mình đang sống lại thời kỳ bom đạn ấy… với Cây gậy Trường Sơn, Cô gái mở đường cho đến Chào em cô gái Lam Hồng và kết thúc là Giải phóng miền Nam… nhắc nhở về một thời tuổi trẻ vô tư, trong sáng đầy nhiệt huyết với miền Nam ruột thịt, với gian khổ ác liệt của chiến tranh mà trong lòng dâng lên nhiều nỗi niềm khó tả… trong buổi tối thưởng thức nghệ thuật này.
Cũng là những bài hát truyền thống quen thuộc ấy nhưng với tư duy sáng tạo của nghệ thuật dàn dựng chương trình, các ca khúc được chắt lọc và được thể hiện một cách xuyên suốt cho tới hồi kết thúc. Người xem cảm nhận rất rõ về ý đồ trong cấu trúc chương trình: Bom đạn có, bi thương và hy sinh mất mát có, cho tới ngày chiến thắng hát khúc khải hoàn... Chương trình là một đường dây xuyên suốt, không khô khan kém hấp dẫn như một số chương trình ca nhạc truyền thống vẫn thường thấy…
Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã dàn dựng chương trình nghệ thuật công phu, nhiệt huyết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay… cũng là để nhắc nhở với thế hệ của ngày hôm nay: Đừng bao giờ quên lãng quá khứ, một quá khứ mà biết bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc.
Hãy nâng niu bảo vệ và gìn giữ, âu cũng là sự biết ơn với những thế hệ đi trước.
NS TRẦN MÙI