Hậu 100%

Dư âm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 như vẫn xen lẫn ngọt ngào và cay đắng với những người nặng lòng với sự nghiệp trồng người. Hầu hết các địa phương đều đậu tốt nghiệp trên 95%, thậm chí có nơi đạt 100%. Bề nổi của những con số này là sự vui mừng vì có thành tích tốt.

Dư âm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 như vẫn xen lẫn ngọt ngào và cay đắng với những người nặng lòng với sự nghiệp trồng người. Hầu hết các địa phương đều đậu tốt nghiệp trên 95%, thậm chí có nơi đạt 100%. Bề nổi của những con số này là sự vui mừng vì có thành tích tốt.

Nhưng tảng băng chìm của tỷ lệ 100% có quá nhiều ung nhọt phải cắt bỏ. Việc một học sinh quay clip cảnh bát nháo, gian lận thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) kỳ thi tốt nghiệp vừa qua như đỉnh điểm của sự chịu đựng trước tính không trung thực của người lớn. Có thể đây chỉ là cá biệt, nhưng lấy gì đảm bảo những nơi tỷ lệ đậu tốt nghiệp gần 100% hoàn toàn trong sạch. Do vậy, không phải vô lý khi nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu tỷ lệ đậu cứ cao chót vót như thế này.

Rõ ràng những ai tận tâm với nền giáo dục nước nhà đều thấy rằng, thi cử chưa hẳn quan trọng bằng việc dạy học sinh biết sống tử tế, trung thực, vào đời bằng đôi chân mình chứ không phải đầu gối hay tấm bằng có được từ thói hư tật xấu của người lớn. Gian lận thi cử, chính là bệnh thành tích của người lớn. Căn bệnh vô cùng nguy hiểm ở chỗ nó làm méo mó, thậm chí phá hủy nhân cách con người và cả giống nòi. Bởi một khi môi trường sư phạm bị nhuộm màu “son phấn” thì hại cả một thế hệ chứ không phải một cá nhân. Lấy gì để dạy thế hệ trẻ, khi bản thân người lớn còn dối trá, mưu cầu lợi ích cá nhân, “bán” cả lòng tự trọng, đạo đức của mình? Thời cuộc nào cũng thế, cuộc sống, công việc thực tế sẽ làm thước đo giá trị con người, thanh lọc kiến thức. Khi đó những con người được giáo dục trong môi trường không trung thực sẽ như thế nào? Có lẽ không phải tự nhiên gần đây xã hội xuất hiện nhiều chuyện tưởng như phim: quan chức cấp cục trưởng bị truy nã quốc tế; xà xẻo cả tiền trợ cấp người nghèo, gia đình chính sách; thành đại gia nhờ thậm thọt với quan chức xin dự án; nhiều người đứng đầu doanh nghiệp được mệnh danh là xương sống của nền kinh tế quốc gia, làm thất thoát tiền tỷ của dân vẫn ung dung tự tại, chỉ rút kinh nghiệm… Có lẽ nếu được đào tạo trong môi trường giáo dục tử tế thì đây là thứ “xa xỉ” nhất của xã hội.

Thế hệ trẻ hôm nay, sẽ có một bộ phận trở thành cán bộ các cơ quan công quyền, lãnh đạo doanh nghiệp ngày mai. Do vậy, kế lược của quốc gia không thể thành công nếu dựa trên một đội ngũ cán bộ thoát thai từ lối giáo dục chạy theo thành tích, gian lận thi cử. Thực tế đã chứng minh trình độ văn hóa và cửa ải thi tuyển sẽ nâng cao khí khái và lòng tự trọng của con người, tránh hoặc giảm được nạn quan tham. Thế nên, một kỳ thi mà ai tham dự cũng đậu, e rằng cái hậu của 100% sẽ gây hại khôn lường.

Trong thời đại mà sự chuyển biến của thế giới xung quanh đã trở thành vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, đòi hỏi những chủ nhân tương lai phải trụ vững trên đôi chân mình, biết lấy lợi chung làm trọng, từ đó mới có thể xoay kịp và theo kịp nhịp độ phát triển.

Thanh Hoài

Tin cùng chuyên mục