(SGGPO).- Những ngày này nước lũ đang lên nhanh khiến hàng loạt nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thấp thỏm. Theo báo cáo nhanh của Phòng NN- PTNT huyện Phụng Hiệp, đến trưa ngày 1- 10, có khoảng 8.000 ha mía bị ngập lũ, nguy cơ thiệt hại rất lớn.
Ùn ùn bán mía chạy lũ
Trưa nay, 1- 10, chúng tôi về huyện Phụng Hiệp- vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Hậu Giang. Từ xã Hiệp Hưng sang xã Hòa An, Hòa Mỹ, Phương Phú, Phương Bình… đâu đâu cũng thấy nông dân trồng mía đứng ngồi không yên vì nước lũ đã tràn ngập ruộng mía.
Ông Đoàn Văn Mong, ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng thở dài: “Cách nay khoảng 2 tuần, đợt lũ lên cao làm ngập toàn bộ ruộng mía, nhưng chỉ vài ngày là nước rút. Từ ngày 26- 9 đến nay, nước lũ đổ về rất mạnh và gây ngập kéo dài trên diện rộng, buộc nông dân phải chạy đôn chạy đáo kêu bán mía”. Theo ông Mong, thông thường mía có thể chịu ngập nước khoảng 15- 30 ngày (tùy loại giống), nhưng sau khi bị ngập đợt trước thì nay tiếp tục chìm trong lũ gần 1 tuần khiến nhiều diện tích mía có dấu hiệu “xuống sức”. Nếu ngập thêm từ 10- 15 ngày nữa, mía sẽ bị giảm năng suất hoặc chết tràn lan là khó tránh khỏi. Chính vì vậy mà ông Mong đang vội vã kêu bán 7 công mía để chạy lũ.
Bà Nguyễn Thị Út, canh tác 6 công mía ở xã Hiệp Hưng rầu lo: “Hồi đầu vụ thương lái tranh nhau mua mía với giá cao từ 1.000- 1.200 đồng/kg, nhưng tui không bán vì lúc đó mía còn non. Nay lũ ầm ầm kéo về làm ngập hết sạch. Sợ mía bị chết nên ai cũng tranh nhau kêu bán dù giá giảm còn 850- 1.050 đồng/kg (tùy loại giống và đường vận chuyển gần xa).
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng cho biết, trong 2.034 ha mía, đã có trên 80% diện tích bị ngập lũ. Do quá nhiều người kêu bán khiến tiến độ thu mua bị chậm. Đến nay toàn xã chỉ mới thu hoạch được 200 ha, hiện bà con muốn bán càng sớm càng tốt, dù giá có giảm.
Tại xã Phụng Hiệp, hàng trăm ha mía bị chìm trong lũ. Lo lắng thiệt hại nên nhiều hộ chạy khắp nơi tìm thương lái bán mía. Tại các xã Hòa An, Phương Phú, Phương Bình… tình hình cũng tương tự, dân trồng mía đang mất ngủ khi nước lũ ngày càng lên cao và tình trạng ngập sẽ còn kéo dài.
Nhà máy bị quá tải
Theo thống kê của Phòng NN- PTNT huyện Phụng Hiệp, trong 8.813 ha mía của huyện, đến nay mới thu hoạch hơn 700 ha. Hiện có khoảng 8.000 ha mía bị ngập từ 5- 15 cm. Trước mắt, diện tích mía chết chưa nhiều, tuy nhiên sau 10 ngày tới nếu không thu hoạch kịp thì chuyện thiệt hại sẽ khó tránh khỏi.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Phụng Hiệp thừa nhận: “So với vụ rồi thì lợi nhuận từ cây mía năm nay giảm mạnh, bởi chi phí đầu tư tăng nhưng năng suất giảm do bị sâu bệnh…Nay bị lũ lớn gây ngập trên diện rộng, nếu hộ nào bán mía được ngay lúc này mức lãi được khoảng 20- 30 triệu đồng/ha. Còn nếu để mía kéo dài trong điều kiện bị ngập sâu sẽ bị thiệt lớn”.
Cũng theo ông Tự, dự kiến vụ này toàn huyện sẽ gieo sạ từ 4.000 - 5.000 ha lúa trên liếp mía. Thế nhưng lũ về nhiều khiến kế hoạch trồng lúa bị đỗ vỡ. Hiện hàng trăm ha lúa sạ đan xen trong ruộng mía từ 20 ngày tuổi trở lại đã bị mất trắng do lũ.
Trước tình hình lũ đe dọa vùng mía nguyên liệu lớn nhất ở Hậu Giang. 4 nhà máy đường vừa vào vụ sớm ở ĐBSCL là nhà máy đường Phụng Hiệp, Thới Bình, Vị Thanh và nhà máy Long Mỹ Phát đang khẩn trương thu mua mía chạy lũ giúp dân.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết, các nhà máy rất cố gắng nhưng do áp lực bán mía chạy lũ quá nhiều đã dẫn đến quá tải. Chỉ riêng 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh mỗi ngày có từ 600- 700 ghe túc trực chờ bán mía. Theo ông Ngoan, lũ vùng này tiếp tục lên và người dân bán mía tăng từng ngày, trong khi các nhà máy mới chạy khoảng 1 tuần nên chưa nâng hết công suất được. Và chuyện ùn ứ mía sẽ khó tránh khỏi.
Dự kiến từ ngày 8 đến 10- 10 trở đi sẽ có thêm nhiều nhà máy đường ở Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… khởi động, lúc đó tình hình mới bớt căng thẳng.
Hiện tại giá đường cát trên thị trường đã giảm dưới mức 18.000 đồng/kg (giảm khoảng 700 đồng/kg so với tháng trước). Tuy nhiên, nhà máy đường Phụng Hiệp vẫn giữ giá mua mía cho dân tại cầu cảng là 1.070 đồng/kg (10 chữ đường), riêng nhà máy Vị Thanh mua cao hơn 20 đồng/kg do điều kiện vận chuyển xa. Giá này người dân vẫn có lời.
Mọi năm thời điểm này là vùng mía sớm Phụng Hiệp xảy ra tình trạng “tranh mua tranh bán”, tuy nhiên năm nay lũ về nhiều, dân nóng lòng bán mía nhưng các nhà máy vẫn chưa mạnh thu mua. Giải thích việc này, ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, khẳng định: Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, năm nay hiệp hội quyết tâm kiểm soát chặt việc thu mua mía nguyên liệu, tránh xảy ra chuyện giành giựt lẫn nhau. Song song đó, yêu cầu các nhà máy thông báo cho người dân đốn mía sạch, loại bỏ tạp chất… nhằm nâng cao chất lượng đường.
Hiệp hội cho rằng, nếu duy trì giá đường trên thị trường từ 18.000- 18.500 đồng/kg, mía nguyên liệu từ 1.000- 1.100 đồng/kg, về cơ bản sẽ đảm bảo cho nhà máy và người trồng mía có lãi. Vấn đề quan trọng là sự điều tiết thị trường từ nay đến cuối năm cần phải chặt chẽ, hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp- người trồng mía- và người tiêu dùng.
HUỲNH PHƯỚC LỢI