Hậu Giang và những dấu ấn khó quên

Hậu Giang và những dấu ấn khó quên

Năm 2013 đang dần khép lại. Tỉnh Hậu Giang đang chuẩn bị nhiều hoạt động thiết thực để đón năm 2014. Đây là năm đặc biệt đối với tỉnh, đánh dấu 10 năm thành lập tỉnh, kỷ niệm 40 năm chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân Khu 9. Nhân dịp này phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

* Phóng viên: Thưa ông, sau 10 thành lập, tỉnh Hậu Giang đã tạo ra những đột phá trong khu vực?

* Ông TRẦN CÔNG CHÁNH:
Ngay từ những ngày đầu chia tách, trong Nghị quyết của Đảng, kế hoạch điều hành của UBND tỉnh đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm: chăm lo cho các đối tượng chính sách gia đình nghèo, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục và y tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. đây là những mũi đột phá hết sức quan trọng, giúp Hậu Giang từng bước hòa nhập trong sự phát triển chung của các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Khi mới chia tách, tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt dưới 10%. 10 năm qua, bình quân tỉnh đạt trên 12%. Bình quân thu nhập đầu người khi mới chia tách chỉ khoảng 15 triệu đồng/người thì hiện nay xấp xỉ đạt ngưỡng 28 triệu đồng/người; giảm tỷ lê hộ nghèo từ trên 23%, xuống dưới 12% theo tiêu chí mới hiện nay. Nổi bật trong 10 năm, tỉnh đã xây dựng 40.000 căn nhà tình nghĩa và nhà tình thương. Gần như mỗi năm đều có một dấu ấn của những công trình cơ sở hạ tầng quan trọng trong tỉnh: Năm 2005 có thị xã Ngã Bảy; năm 2006 có quốc lộ 61 được nâng cấp, mở rộng và khánh thành cầu Cái Tư nối liền với tỉnh Kiên Giang; năm 2007 có các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; năm 2008 có trường trung cấp, cao đẳng và đại học; năm 2009 có Công viên Xà No - công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất; năm 2010 có TP Vị Thanh; năm 2011 có Khu hành chính UBND tỉnh, năm 2012 có đường nối TP Vị Thanh với TP Cần Thơ và Nhà thi đấu đa năng tỉnh; năm 2013 có trụ sở Tỉnh ủy, Bệnh viện Đa khoa 500 giường và 3 xã nông thôn mới cơ bản đạt 19 tiêu chí, gần 5.000ha vùng mía nguyên liệu được xây dựng bao khép kín, hoàn thành xây dựng hệ thống trường mầm non...

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa.

* Điều gì làm ông trăn trở?

* Trong thời gian đảm trách vị trí Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tôi trăn trở với 3 lĩnh vực, đó là nông nghiệp, y tế và giáo dục. Đây là 3 lĩnh vực mà trong quá trình điều hành, tỉnh cố gắng tập trung làm để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu làm tốt 3 lĩnh vực này, tôi tin rằng sẽ kích thích động viên, vận động được các điều kiện khác của xã hội.

* Vậy, nông nghiệp vẫn là mũi đột phá của Hậu Giang?

* Nông nghiệp là tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang trong những năm qua và những năm tiếp theo. Hậu Giang sẽ tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn kết với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng lớn có hiệu quả. Ngành nông nghiệp của tỉnh tập trung đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đề án này rất cụ thể, trong đó một số vùng trồng mía, sản xuất lúa… không hiệu quả sẽ chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác. Theo đó, phát triển nông nghiệp trong xu hướng đảm bảo giá trị gia tăng, nhiều hàm lượng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào từng loại sản phẩm. Qua đó, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm; hàng hóa đầu ra có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

* Ông từng nói “ở đâu doanh nghiệp khó, ở đó có lãnh đạo”, phải chăng đây là khẩu hiệu tháo gỡ cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn?

* Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thường xuyên có mặt tại các doanh nghiệp gặp khó khăn để đối thoại, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Việc làm này đã tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, góp phần hết sức quan trọng cho sự tăng trưởng chung của tỉnh.

* Do mới thành lập, Hậu Giang cần nhiều quỹ đất cho xây dựng, thế nhưng nhờ đâu tỉnh không có “điểm nóng” về khiếu kiện?

* Vấn đề thu hồi đất trong quá trình thực hiện đô thị hóa và các công trình dự án khu, cụm công nghiệp… vẫn có những nơi gây bức xúc trong nhân dân. Song, quán triệt các chủ trương của Đảng và Chính phủ, tỉnh đã quyết liệt giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân có hiệu quả. Quan điểm của thường trực UBND tỉnh là giải quyết các khiếu nại ngay từ cơ sở, không đùn đẩy, né tránh nên 2 năm qua, vấn đề tập trung khiếu nại đông người kéo ra trung ương, không có người dân của Hậu Giang. Lãnh đạo trung ương đánh giá rất cao và quan tâm đến vấn đề này.

* Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã đầu tư vào tỉnh, ông đánh giá ra sao về sự hợp tác này?

* Ngày 31-12-2013, tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát sẽ khởi công một dự án lớn trên địa bàn Hậu Giang. Dự án này cũng mang dấu ấn từ “mai mối” của lãnh đạo TPHCM. Chúng tôi rất trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa hai địa phương thông qua nhiều doanh nghiệp lớn của thành phố. Trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là tiêu thụ hàng hóa nông sản, xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực thương mại, TPHCM giúp tỉnh rất nhiều. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã nhiều lần nói với tôi: Hậu Giang có vấn đề gì khó khăn cứ đề xuất hợp tác. Tôi cho đây là một tình cảm, trách nhiệm hết sức quý của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đối với Hậu Giang. Các cuộc xúc tiến đầu tư, đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra trên địa bàn tỉnh luôn có sự tham gia đầy trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp TPHCM.

Nhân đây, tôi xin thay mặt lãnh đạo và nhân dân Hậu Giang trân trọng tri ân và mong muốn tiếp tục được đón nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của trung ương; sự chia sẻ, hợp tác, liên kết, giúp đỡ, góp ý của các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ, các tôn giáo, bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài!

CAO PHONG thực hiện

Tin cùng chuyên mục