“Hậu quả da cam” sau cuộc chiến

“Chất độc màu da cam” - cụm từ không quá xa lạ với những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam những năm 1960 lại một lần nữa được mổ xẻ trên báo chí Mỹ. Không tập trung vào câu chuyện tiến trình đòi bồi thường hay đi sâu phân tích những hậu quả chất độc màu da cam, bài viết của nhà báo Steve Vogel đăng trên tờ Washington Post cung cấp một câu chuyện khác: những người chưa từng tham chiến ở Việt Nam lại quyết tâm đòi chính phủ bồi thường vì bị phơi nhiễm.

Câu chuyện bắt đầu từ ông Wes Carter, 66 tuổi, đã viết đơn đòi Bộ cựu chiến binh Hoa Kỳ (VA) bồi thường vì bị ung thư tuyến tiền liệt mà nguyên nhân căn bệnh được bác sĩ chẩn đoán do ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam còn trên máy bay C-123. C-123 là dòng máy bay được quân đội Mỹ sử dụng để rải chất độc da cam trong cuộc chiến tại Việt Nam. Khi chiến tranh kết thúc, C-123 vẫn được sử dụng để phục vụ công tác hậu cần trong quân đội cho đến năm 1982, ông Wes Carter là người từng phụ trách công việc y tế trên máy bay C-123 trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, VA đã từ chối đơn đòi bồi thường của ông Carter và những trường hợp khác với lý do chưa đủ bằng chứng vì việc tiếp xúc với chất độc da cam của các nạn nhân rất hạn chế. VA cũng viện dẫn lý do không có chính sách bồi thường cho những trường hợp không tham chiến tại Việt Nam.

Ông Wes Carter cho rằng VA đã che giấu sự việc kỹ đến mức có thể. Một trong những lý do khiến ông Carter tin vào điều này là vào năm 1996, kế hoạch thanh lý 18 máy bay C-123 của Không quân Mỹ bị hủy bỏ sau khi có bằng chứng cho thấy những chiếc máy bay này vẫn còn dư lượng dioxin. Cuộc kiểm định được tiến hành kín đáo tại Arizona thay vì tại căn cứ không quân Davis-Monthan. Kết quả, cuộc kiểm định cũng không được thông báo cho các phi hành đoàn hay những người phục vụ trên C-123 thời hậu chiến để cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc.

Sau đó, vào năm 2009, khi thử nghiệm lại trên 4 chiếc máy bay cho thấy dư lượng dioxin còn rất ít, Không quân Mỹ mới quyết định phá hủy dòng máy bay này bằng phương pháp đun chảy kim loại. Lò phá hủy được đun nóng đến gần 1.400°C, đủ nhiệt để xóa bất kỳ dấu vết nào của dioxin. Trong một bản ghi nhớ tại căn cứ quân sự Utah bị rò rỉ trong cùng thời gian này cũng có đoạn: “Phải xử lý hoặc tái chế 18 chiếc C-123 còn dư lượng dioxin càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị truyền thông công khai, tranh tụng và đòi trách nhiệm bồi thường”.

Do C-123 - vật chứng trong vụ đòi bồi thường của ông Wes Carter bị phá hủy nên cuộc chiến đòi bồi thường của ông được dự đoán còn gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp của ông Carter làm nảy sinh một số ý kiến cho rằng nên thiết lập việc bồi thường cho các nạn nhân thời hậu chiến không tham gia chiến đấu. Nhưng ý kiến này không được Chính phủ Mỹ lưu tâm bởi họ đang phải giải quyết hơn 260.000 hồ sơ các nạn nhân là cựu binh tiếp xúc dioxin trong cuộc chiến tại Việt Nam từ năm 2010. Ước tính, kinh phí cho việc bồi thường có thể lên tới hơn 40 tỷ USD.

Trường hợp của ông Carter là cá biệt nên khó giải quyết nhưng còn các cựu binh Mỹ thì đã được coi là những người chiến thắng trong các đơn kiện đòi bồi thường. Trông người lại ngẫm đến ta, tại Việt Nam còn hơn 3 triệu nạn nhân phơi nhiễm dioxin vẫn đang tiếp tục cuộc chiến đòi công lý. Có ý kiến của độc giả trong bài viết của ông Steve Vogel đề cập đến việc sao Chính phủ Mỹ không bồi thường cho những người Việt Nam bị phơi nhiễm bởi chất độc dioxin. Câu hỏi này vẫn còn phải chờ Chính phủ Mỹ trả lời!

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục