Khả năng mở lại đường ống Nord Stream

Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ tư, thông tin Nga có thể chuyển khí đốt vào Liên minh châu Âu (EU) thông qua Đức một lần nữa không còn là điều kỳ lạ như vài tháng trước. Với những nỗ lực đang diễn ra nhằm chấm dứt xung đột, đã dấy lên khả năng tái hợp khí đốt của Nga vào hỗn hợp năng lượng của EU.

Từ nhiều tháng nay, một số thành viên của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) cầm quyền đã ám chỉ mạnh mẽ về việc ủng hộ đề xuất như vậy, đặc biệt là đường ống Nord Stream.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Die Zeit, Thủ hiến bang Saxony, ông Michael Kretschmer mô tả đường ống Nord Stream là một “mở đầu cho các cuộc đàm phán với Nga”. Ông Kretschmer thậm chí còn nêu rõ lượng khí đốt mà Đức cần phải nhập từ Nga là 20%.

Trước đó, không ít đồng nghiệp của ông Kretschmer hoan nghênh ý tưởng sửa chữa cả 2 đường ống của Nord Stream 1 và 1 đường ống của Nord Stream 2, bị hư trong một vụ phá hoại vào tháng 9-2022.

Nord Stream 1 đã vận chuyển khí đốt đến Đức trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Trong khi Nord Stream 2 hoàn thành vào tháng 9-2021 nhưng chưa bao giờ thực sự đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz và là lãnh đạo CDU khẳng định, bản thân ủng hộ các kế hoạch của EU nhằm ngăn chặn việc tái khởi động các đường ống như một phần của gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga. Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang tham vấn các quốc gia thành viên về số phận của Nord Stream.

Trong khi đó, cả Nga và Mỹ được cho là muốn thỏa thuận để khí đốt chảy qua đường ống một lần nữa. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gần đây cho biết, các cuộc thảo luận với Mỹ có đề cập tới Nord Stream. Theo một số nguồn tin, các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến việc mua lại Nord Stream 2 AG, công ty con có trụ sở tại Thụy Sĩ của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom (Nga), đơn vị sở hữu đường ống Nord Stream 2.

Ông Chris Weafer, cố vấn đầu tư làm việc tại Nga hơn 25 năm cho rằng, đang có những cuộc thảo luận nghiêm túc về việc Mỹ mua lại công ty này. Tuy nhiên, ông Ben Hilgenstock ở Trường Kinh tế Kiev, Ukraine, cho rằng Mỹ hay Nga không có thẩm quyền quyết định loại năng lượng mà châu Âu mua, và đó là của châu Âu.

$8a.jpg
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tại Nga. Ảnh: TASS

Việc châu Âu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và dầu nhằm giảm phụ thuộc vào Nga là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng chi phí năng lượng trong suốt năm 2022 và 2023. Các công ty Đức, như gã khổng lồ hóa chất BASF, đã gánh chịu phần lớn chi phí năng lượng tăng vọt trong những năm gần đây.

Ông Wolfgang Große Entrup, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức (VCI), cho biết các thành viên của VCI “hoan nghênh các biện pháp giảm giá năng lượng quá cao”.

Hiện EU đã cam kết sẽ ngừng nhập khẩu tất cả nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Theo các nhà phân tích, ngay cả khi một số quan chức Đức và châu Âu ủng hộ việc khôi phục một hoặc cả hai đường ống Nord Stream, vẫn có “nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật”.

Theo ông Chris Weafer, có khả năng Mỹ thuyết phục EU về giá trị của việc hồi sinh Nord Stream. Một số nhà kinh tế châu Âu cũng hy vọng khí đốt của Nga sẽ quay trở lại châu Âu, nhưng có lẽ không quá 50% khối lượng đã bán so với trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine (tháng 2-2022).

Tin cùng chuyên mục