Nợ công 66.000 tỷ USD
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2020, mức thâm hụt trung bình của các nền kinh tế phát triển là 11% GDP, ngay cả khi các chính phủ không còn áp dụng lệnh phong tỏa vào nửa cuối năm 2020 và nền kinh tế từng bước hồi phục. Nợ công của các nước giàu có thể lên tới 66.000 tỷ USD, chiếm 122% tổng GDP của các nước vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, nhiều nhà sử học lại cho rằng, các nhà hoạch định chính sách không nên quá lo lắng về mức nợ cao ở một số nền kinh tế phát triển. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ trên GDP của Anh tăng từ 84% vào tháng 3-2019 lên hơn 100% trong niên khóa tài chính năm nay. Đó là mức tăng cao theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng không phải là chưa từng có. Năm 1815, nợ công của Anh đã chiếm gần 200% GDP rồi sau đó giảm xuống 25% vào năm 1914. Sau Thế chiến 2, nợ công của Anh tăng tới 259% trong khi Mỹ là 112%. Sau những cuộc suy thoái ngắn hậu chiến tranh do sản xuất vũ khí giảm xuống, cả hai nước này đều có thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Họ cũng đã giảm được gánh nặng nợ nần theo thời gian. Tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất là 31% vào đầu những năm 1980; Anh rơi xuống khoảng 25% vào năm 1990.
3 con đường giảm nợ
Dù còn nhiều tranh cãi nhưng IMF vẫn khuyến nghị các nước cần phải giảm tỷ lệ nợ trên GDP để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Và để giảm bớt gánh nặng về nợ công, các chính phủ phải lựa chọn 1 trong 3 con đường.
Thứ nhất, dùng thuế để trả lại số tiền đã vay. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa việc tăng thuế (sẽ khiến khá nhiều người khổ sở) và cắt giảm chi tiêu (điều cũng sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu). Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009, khoản nợ của các nền kinh tế tiên tiến tăng thêm 1/3, nhiều quốc gia đã chọn giảm chi tiêu công như một phần của nền kinh tế. Giai đoạn 2010 - 2019, tỷ lệ chi tiêu công trên GDP của Mỹ và Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã giảm khoảng 3,5%, Anh giảm 6%. Trong khi đó, tỷ lệ thu thuế trên GDP tăng từ 1% - 2%. Dường như rất ít có khả năng người dân muốn trả hết nợ do khủng hoảng của Covid-19 gây ra bằng cách quay trở lại thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” như vậy.
Lựa chọn thứ hai là vỡ nợ hoặc tái cơ cấu các khoản nợ. Đây có thể là lựa chọn bắt buộc đối với các nền kinh tế mới nổi do không còn lối thoát nào khác. Nếu việc này xảy ra, số người chịu tác động sẽ ở mức đáng kể. Tuy nhiên, những điều như vậy ngày càng hiếm xảy ra ở các nền kinh tế phát triển.
Lựa chọn cuối cùng, các nước có thể chờ đợi, giãn nợ trong khi hy vọng rằng theo thời gian, số nợ này sẽ giảm so với nền kinh tế. Bí quyết để làm điều này là đảm bảo rằng mức kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế thực tế và lạm phát được duy trì ở mức cao hơn lãi suất mà chính phủ phải trả cho khoản nợ của mình. Điều đó cho phép tỷ lệ nợ trên GDP giảm theo thời gian.