Hậu quả

Nói về người nhập cư bất hợp pháp vượt Địa Trung Hải vào châu Âu, các chuyên gia thừa nhận châu Âu sẽ khó tìm được một giải pháp hiệu quả đối với tình trạng này.

Một trong những nguyên nhân chính nằm ở việc 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) không muốn định ra một sách lược tị nạn chung. Mỗi một chính phủ thành viên đều ngả theo ý kiến của đa số cử tri nước họ; từ chối nhượng lại quyền dù nhỏ nhất trong lĩnh vực này cho EU.

Trong khi đó, hàng triệu người từ Libya, Syria, Iraq, các nước châu Phi vẫn ngày đêm tìm cách nhập cư vào châu Âu với hy vọng đến được miền đất hứa, thoát khỏi chiến tranh và nghèo đói. Đa phần thuyền nhân từ châu Phi vượt biển đến châu Âu xuất phát từ vùng bờ biển Libya. Quốc gia Bắc Phi từng là vùng đất đáng mơ ước nay bị biến thành lòng chảo hỗn loạn. Nội chiến khiến Libya trở nên kiệt quệ, không còn sức giữ lại những người đến từ các nước châu Phi khác và kể cả công dân nước này. Trước đây, Libya giàu có được xem như vùng đất màu mỡ đối với người châu Phi. Ngày nay, quốc gia này vẫn là nơi họ dừng chân, nhưng chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền, để rồi sau đó có tiền đi tới một nơi khác.

Tại sao một Libya từng là niềm hy vọng của biết bao người dân châu Phi giờ lại là nơi mà bản thân người dân nước này cũng muốn trốn chạy? Còn nhớ, từ ngày nhà lãnh đạo của Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, quốc gia Bắc Phi đã rơi vào hỗn loạn, trở thành trung tâm của các đường dây buôn người và mạng lưới khủng bố quốc tế. Bất ổn là điều dễ dàng nhận thấy vào thời điểm hiện tại ở Lybya. Trước đây, khi ông Gaddafi còn nắm quyền và có quan hệ hữu hảo với phương Tây, châu Âu hỗ trợ Libya phát triển để giữ chân những người dân châu Phi muốn di cư đến châu Âu.

Tuy nhiên, những toan tính về lợi ích tại Libya, mà cụ thể là những giếng dầu khổng lồ tại quốc gia Bắc Phi, lại là lý do để các nước châu Âu can thiệp vào Libya năm 2011 để lật đổ ông Gaddafi.

Châu Âu đang phải nhận trái đắng từ hành động của mình. Rất nhiều chuyên gia cho rằng muốn giải quyết tận gốc vấn đề di cư, châu Âu phải ổn định được tình hình tại Libya. Nếu như không tìm được lối thoát cho Libya thì dù có tăng gấp 3 lần ngân sách cho chiến dịch cứu hộ và giám sát cho mỗi tháng như quyết định được EU đưa ra ngày 23-4 hay bất cứ các giải pháp nào khác trong tương lai cũng sẽ là vô nghĩa.

Nhưng làm sao để Libya ổn định khi các phe phái tại quốc gia Bắc Phi này không chịu nhượng bộ nhau? Châu Âu sẽ lại phát động một cuộc chiến để giải quyết vấn đề của Libya? Có thể nói, châu Âu đang phải hứng chịu hậu quả cho những toan tính lợi ích của chính mình.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục