Sắc lệnh trừng phạt vào ngành nông sản phương Tây mà chính quyền Tổng thống Nga Putin ban hành tuần trước đang tỏ ra có tác dụng rõ rệt. Các quốc gia châu Âu được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ba Lan ngày 12-8 đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ bồi thường do những thiệt hại đối với ngành nông nghiệp của nước này.
Ba Lan yêu cầu EU bồi thường
Theo RIA Novosti, trong cuộc họp với Ủy viên về nông nghiệp của EU Dacian Ciolos ngày 12-8, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan đã yêu cầu EU có những biện pháp hỗ trợ, bồi thường cho nông dân nước mình. Trong sắc lệnh mới nhất của Nga, Ba Lan không được phép nhập trái cây và rau củ quả vào Nga. Đầu tháng, Nga còn cấm nhập khẩu thịt heo từ Ba Lan với lý do phát hiện những trường hợp cúm heo ở Ba Lan và Lithuania. Liên tiếp bị cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt, Ba Lan đang rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Theo Daily World, năm ngoái, Mỹ xuất sang Nga lượng hàng hóa nông sản trị giá 1,2 tỷ USD, chưa đến 1% tổng sản lượng xuất khẩu trên toàn cầu của Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia thuộc EU xuất sang Nga lượng nông sản trị giá 15,8 tỷ USD, chiếm 10% lượng sản xuất của khu vực này. Trong đó, Ba Lan, Pháp, Hà Lan, Đức bị thiệt hại nhiều nhất vì lượng nông sản xuất sang Nga của các nước này đều ở khoảng 1,6 đến 2 tỷ USD. Ước tính, mức thiệt hại của Mỹ và châu Âu do lệnh trừng phạt của Nga là hơn 17 tỷ USD. Hiện các nước EU dự định kiện Nga ra tổ chức Thương mại Thế giới - WTO do lệnh cấm của Nga.
Thủ tướng Ukraine Yasheniuk cho rằng với lệnh cấm các mặt hàng sữa, hoa quả, rau xanh và đồ hộp của Nga, nền kinh tế Ukraine sẽ bị thiệt hại lên tới 7 tỷ USD. Chưa nói đến các thiệt hại do việc các khách hàng Nga từ chối không mua các sản phẩm của Ukraine như thép, các sản phẩm hóa chất như phân bón... hoặc thiệt hại của các tổ hợp quân sự của Ukraine do lệnh cấm của chính phủ đối với việc hợp tác và cung cấp cho Nga những thiết bị, phụ tùng quân sự.
Phương án thay thế của Nga
Về phía Nga, người tiêu dùng là người chịu thiệt thòi nhất khi 55% mặt hàng nông sản nhập khẩu của nước này là từ các nước phải áp dụng sắc lệnh trừng phạt. Riêng với mặt hàng sữa thì đến 95% lượng sữa nhập khẩu bị gián đoạn. Ngoài việc kêu gọi người dân nỗ lực gia tăng sản xuất, Nga đã tìm ra được những đối tác để thay thế cho các quốc gia châu Âu. Trả lời phỏng vấn Interfax, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov cho biết: “Những nước đầy hứa hẹn đối với chúng ta trong việc cung cấp rau, hoa quả là Azerbaijan, Uzbekistan, Armenia, Tajikistan và Kirgizya. Gần ngay Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Serbia và các quốc gia tiềm năng là Morocco, Ai Cập. Những nước này có thể cung cấp rau xanh, trái cây cho Nga trong khi họ cần ngũ cốc và dầu thực vật từ Nga”.
Ngành xuất khẩu cá của Scotland bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sắc lệnh trừng phạt của Nga.
Nga là thị trường tiêu thụ cá thu và cá trích lớn nhất của Scotland. Hiện có một lượng lớn cá trích trị giá 300.000 USD của các doanh nghiệp Scotland đang bị mắc kẹt ở St Petersburg và họ lo lắng không biết số cá này có được thanh toán hay không. Trong khi đó, một số công ty xuất khẩu cá của Việt Nam đã được Nga cho phép xuất khẩu cá vào thị trường của họ. Ông Nikolai Fyodorov khẳng định, Nga có một tiềm năng rất mạnh các sản phẩm cá nội địa, chỉ cần thỏa thuận với các hệ thống buôn bán để hướng lượng hàng ngoại sang hàng nội địa.
Một số báo Pháp bình luận rằng, tối đa đến năm 2018, Nga sẽ cạn tiền nếu tiếp tục đọ sức với phương Tây. Chuyên gia kinh tế Serguei Gouriev nói rằng, Nga sẽ không thể ngừng cung cấp khí đốt và dầu khí cho phương Tây do Nga rất cần nguồn thu nhập này. Một số phân tích khác lại cho rằng phương Tây khó tìm nguồn thay thế khác ngoài Nga. Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây xuất phát từ bất ổn tại Ukraine đang ngày càng gay gắt và cả đôi bên đều đang phải chịu tổn thất đáng kể cho nền kinh tế.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)