Hậu quả từ thủy điện lớn nhất thế giới

Sau hơn 4 năm đưa đập thủy điện Tam Hiệp (chắn ngang sông Dương Tử) vào vận hành, ngày 19-5 lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc thừa nhận những hậu quả tai hại do dự án này mang lại. Đây là điều gây tốn giấy mực báo chí trong và ngoài nước thời gian qua.
Hậu quả từ thủy điện lớn nhất thế giới

Sau hơn 4 năm đưa đập thủy điện Tam Hiệp (chắn ngang sông Dương Tử) vào vận hành, ngày 19-5 lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc thừa nhận những hậu quả tai hại do dự án này mang lại. Đây là điều gây tốn giấy mực báo chí trong và ngoài nước thời gian qua.

  • Được ít, mất nhiều

Theo thống kê, đã có 140 thị trấn, 1.000 ngôi làng, 1.300 địa chỉ khảo cổ, 100.000 ha đất nông nghiệp màu mỡ đã trôi xuống lòng sông, bờ sông của 91 dòng phụ lưu bị xói mòn, khoảng 1,9 triệu người phải di dời. Bên cạnh đó, việc xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp đã cản trở sự phát triển theo quy luật tự nhiên của các loài thủy sinh tại khu vực này. Cụ thể, nó đã tạo ra rào chắn khiến không một loài thủy sinh nào có thể vượt qua được, dẫn đến việc ngăn cản hàng trăm loài cá lên thượng nguồn đẻ trứng. Tại lưu vực sông Dương Tử, nơi xây đập Tam Hiệp, có tổng cộng 47 loài động vật quý hiếm được bảo vệ sắp tuyệt chủng. Về nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhiều nhà khoa học đã đưa ra kết luận nghiên cứu có một lượng lớn CO2 và một khối lượng đáng kể khí metan (CH4) từ các hoạt động của vi sinh vật trong các hồ chứa nước.

Một trong những tham vọng của những người ủng hộ dự án đập Tam Hiệp là khả năng điều tiết nước, chống lũ lụt. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại. Năm 2010, Trung Quốc chứng kiến những trận lũ lụt kinh hoàng, chưa từng có trong lịch sử, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Hồi tháng 6 và 7- 2010, các trận lũ lớn ở nhiều tỉnh miền Nam làm hơn 700 người thiệt mạng, trên 300 người mất tích, 700.000 ngôi nhà bị phá hủy, 8 triệu ha hoa màu bị hư hại. Ngoài ra, hơn 8 triệu người phải sơ tán, trên 29 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Thiệt hại ước tính 21 tỷ USD.

Trước những đợt lũ hoành hành ở vùng hạ lưu sông Dương Tử, giới chức Trung Quốc không thể đưa ra bằng chứng nào cho thấy đập thủy điện Tam Hiệp có tác dụng trong việc điều tiết nước. Phân tích số liệu từ các chuyên gia cho thấy, sông Dương Tử làm tăng trầm tích bùn vào hồ lên khoảng 530 triệu tấn/năm, khiến hệ thống hồ và đập thủy điện này không có khả năng ngăn lũ.

Không chỉ thế, các vụ tham nhũng liên quan đến dự án trên cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Điển hình nhất là vụ các viên chức của Ủy ban Tái định cư Tam Hiệp đã bị bắt vì tội tham ô các quỹ của chương trình tái định cư vào tháng 1-2000.

Lưu lượng nước tràn vào đập Tam Hiệp đã chạm mức 58.000m3/giây vào ngày 19-7-2010, mức kỷ lục từ trước đến nay.

Lưu lượng nước tràn vào đập Tam Hiệp đã chạm mức 58.000m3/giây vào ngày 19-7-2010, mức kỷ lục từ trước đến nay.

  • Trễ còn hơn không

Thông cáo trên của Chính phủ Trung Quốc đưa ra ngay sau cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Như vậy, sau hơn một thập niên từ khi dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới còn nằm trên bàn giấy, đến nay cuộc “khẩu chiến” quanh chuyện được và mất do đập Tam Hiệp mang lại dần ngã ngũ một cách chính thức. Song song đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ thiết lập hệ thống cảnh báo thiên tai, nâng quỹ bảo vệ môi trường và gia cố bờ sông cũng như cung cấp những nơi tái định cư bảo đảm cho người dân.

Theo Tân Hoa xã, khi đập Tam Hiệp bắt đầu hoạt động 4 năm trước, nhiều chuyên gia chính phủ đã cảnh báo sẽ có rất nhiều tác động xấu có thể nhìn thấy trước và cả những hậu quả tiềm ẩn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hoặc khắc phục thì tất yếu sẽ dẫn đến thảm họa. CS Monitor nhận định, trước sự thừa nhận này, nhiều chuyên gia đã và đang phản đối đập thủy điện Tam Hiệp cho rằng nỗ lực của họ cuối cùng cũng nhận được phản hồi tích cực. Patricia Adams, một nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc, đã viết trên trang web Probe International của mình: “Đập Tam Hiệp là một trường hợp điển hình mà nhiều giới chức đã chú ý quá nhiều vào lợi ích được kỳ vọng mà không lường hết mức độ rủi ro, làm sụt giảm uy tín mà đây là lúc phải khắc phục”.

Những tổn thất về giá trị vật chất và tinh thần mà đập Tam Hiệp gây ra là chuyện đã rồi. Nếu muốn tiếp tục hoạt động của con đập này, nhiệm vụ của Chính phủ Trung Quốc là phải khắc phục càng sớm càng tốt những thiệt hại trên vì không thể muộn hơn nữa!

NHƯ QUỲNH

Đôi nét về đập Tam Hiệp

Khu vực: Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc.

Độ cao: 181m.

Vốn đầu tư dự tính: 203,9 tỷ NDT (24,65 tỷ USD), có thể lên tới 75 tỷ USD.

Công suất phát điện thiết kế: 18,2 Gigawatt, có thể phát 84,7 TWh điện mỗi năm, đáp ứng khoảng 1/30 nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc.

Chức năng: Kiểm soát lũ lụt, phát điện, cải thiện giao thông đường thủy.

Tin cùng chuyên mục