Hãy chia sẻ nhiều hơn

Thực tế hiện nay, lượng người mắc chứng trầm cảm ngày càng nhiều và trong số đó, một lượng đáng kể là bạn trẻ. Những va chạm trong cuộc sống, áp lực của tuổi trưởng thành trước những vấn đề công việc, tình cảm, gia đình… khiến không ít bạn trẻ từ việc ít chia sẻ đến mất kết nối với mọi người xung quanh, dần dẫn đến trầm cảm cùng những hành động, suy nghĩ tiêu cực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong một buổi trò chuyện do tiệm sách Kafka tổ chức mới đây, “trầm cảm và mất kết nối” là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Việc mất kết nối ở đây được hiểu là giảm sự tương tác với những người xung quanh trong cuộc sống. Từ việc ngại bày tỏ, không dám chấp nhận mình thất bại, sợ gia đình lo lắng, không ít bạn trẻ vấp phải những khó khăn hay cú sốc trong đời nhưng không thể giãi bày cùng ai, dần dần đến việc khó chia sẻ với mọi người, kể cả người thân và rơi dần vào trạng thái trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực.

Một bạn trẻ tham dự buổi trò chuyện, tên N. (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể lại những thất bại của bản thân khi đi du học thi rớt, chia tay người yêu và trở về nhà thì áp lực buộc phải thành công, khiến N. gần như bế tắc và phải điều trị trầm cảm bằng thuốc gần 2 năm. “Ở thời điểm đó, tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu đen, mọi thứ rất tiêu cực, lúc du học mất dần bạn bè vì tôi viết quá nhiều trạng thái buồn bã trên trang cá nhân; còn bạn bè mới thì tôi không thể chia sẻ được. Đến khi về nước, áp lực từ gia đình khiến tôi bị trầm cảm lúc nào không hay. Bây giờ, khi vượt qua được mọi chuyện, tôi nghĩ, chúng ta cần chia sẻ nhiều hơn để giải tỏa những điều chất chứa”.

Được nói ra những điều bản thân mong muốn, hoặc nói ra được những thất bại, lỗi lầm của bản thân, cũng là cách để bạn trẻ có thể vượt qua trạng thái tiêu cực và tránh được trầm cảm. T. (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú) kể: “Ở thời điểm đó, tôi áp lực và bi quan vô cùng, công việc không hoàn thành, ngày nào đi làm cũng mệt mỏi nhưng không dám bỏ, vì tôi không có thu nhập phụ và sợ gia đình lo lắng. May mắn là sau khi trò chuyện với vài người bạn thân, nhóm bạn giới thiệu tôi những buổi nói chuyện về tìm cảm hứng, tìm công việc. Sau khi tham gia, tôi tìm được cho mình một công việc mới, mặc dù trái với ngành học nhưng tôi thực sự thấy thích”.

Những áp lực ở tuổi trưởng thành, lập nghiệp hay khó khăn trong cuộc sống là điều không ai có thể tránh khỏi. Đối mặt với những điều này, không cần phải quá bi quan, biết chấp nhận mình thất bại cũng là một thành công để bản thân nhìn nhận điều thiếu sót và làm lại. Để tránh từ những cảm xúc tiêu cực dẫn đến việc mất kết nối và rơi vào trầm cảm, người trẻ nên học cách chia sẻ và cởi mở hơn, khi nói về những câu chuyện của bản thân.

Tin cùng chuyên mục