Tháng 3 vừa qua, tôi tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo SGGP tổ chức. Một em tham dự chương trình có hỏi: “Các thầy trong tổ tư vấn đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?”.
Tôi đại diện nhóm tư vấn, trả lời đại ý: “Chúng tôi đến đây để tư vấn tuyển sinh đại học, cụ thể là cho các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2011. Tinh thần của những người tư vấn là làm hết sức mình để những học sinh được tư vấn có thể lựa chọn được nghề nghiệp thích hợp và trường thích hợp cho đợt tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Chương trình của Báo SGGP là “Tiên hướng nghiệp, hậu hướng trường” nên ban tư vấn sẽ chỉ dẫn để các bạn chọn đúng nghề mình ưa thích và chọn được trường để ước mơ đậu đại học và cao đẳng của các em thành hiện thực. Các em là người đánh giá, vậy các em hãy đánh giá xem ban tư vấn làm hết sức mình chưa?”. Một tràng pháo tay của các em tham gia tư vấn thay câu trả lời và tôi nghĩ là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Khi vào khu vực mà ban tổ chức dành riêng cho phần tư vấn về những ngành nghề cụ thể, tôi đã gặp những băn khoăn của nhiều học sinh về nghề nghiệp, về tương lai, khiến tôi muốn viết một bài để nói với các em, đôi khi chỉ là kinh nghiệm hơn 30 năm của một người làm công tác giáo dục đại học.
Trong một buổi tư vấn, tôi đã trả lời câu hỏi: “Em muốn làm nghề này nhưng bố mẹ em và các bạn lại bảo học nghề kia dễ kiếm việc làm hơn, có thu nhập cao hơn. Em thấy khả năng của mình khó đậu ngành mình muốn. Còn nghề kia, em nghĩ mình có thể thi đậu. Nhưng em lại không thấy thích thú với nghề nghiệp mà cha mẹ em và các bạn khuyên em chọn. Thầy cho em lời khuyên là em có nên thi vào ngành em thích không? Và nếu câu trả lời của thầy là có thì nên thi trường nào?”.
Tôi đã trả lời rằng: “Trong nghề nghiệp, muốn thành công, phải có sự say mê. Nếu bạn không say mê, sớm hay muộn, bạn cũng sẽ rời bỏ nghề nghiệp ấy. Cho nên, nếu là tôi, tôi sẽ chọn nghề mà mình yêu thích. Bạn chọn được nghề yêu thích rồi, cần phải lựa chọn cách đi nữa. Tất nhiên, tôi hiểu mong muốn của bạn là thi đậu được vào trường bạn mong muốn. Nếu năng lực của bạn đủ để bạn có thể thi đậu, bạn hãy mạnh dạn đăng ký. Tôi chúc bạn thành công. Trong trường hợp học lực của bạn không có khả năng thi đậu vào bất cứ trường đại học nào có ngành nghề bạn chọn, hãy lựa chọn các trường cao đẳng và trường nghề. Bạn có thể đạt được tấm bằng đại học chậm hơn và bạn có thể học nâng cao trình độ. Hiện nay đã có các chương trình liên thông từ trung học nghề, cao đẳng lên đại học. Ngoài ra, bạn có thể vừa học vừa làm để lấy tấm bằng cử nhân qua việc học hệ đại học không chính quy”.
Tôi muốn qua bài viết này để nói thêm với các bạn đang lựa chọn nghề nghiệp rằng, xã hội ngày nay có sự cạnh tranh cao, nếu các bạn không giỏi nghề, không thể chắc chắn có một việc làm đúng chuyên môn. Mà một trong những nhân tố làm cho bạn trở nên giỏi nghề là phải yêu thích nghề ấy.
Nếu phải chọn giữa nghề nghiệp mà bạn yêu thích với việc tìm kiếm một nghề nghiệp đang “nổi” dễ kiếm tiền, lời khuyên của tôi là bạn hãy lựa chọn nghề mà mình yêu thích.
NGUYỄN KIM HỒNG