Nhiều bệnh viện và người bệnh đang cảm thấy hoang mang khi ngày 9-5, Bộ Y tế phát hành Công văn số 2348 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có nội dung bãi bỏ Công văn số 2009 ngày 12-4-2018 về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật y tế sử dụng máy mượn, máy đặt ở các bệnh viện. Đến ngày 12-5, BHXH Việt Nam có Công văn số 1261 gửi cơ quan BHXH các tỉnh thành về việc dừng thanh toán bảo hiểm y tế đối với dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt kể từ ngày 9-5. Rõ ràng, 2 công văn trên của Bộ Y tế và BHXH, không chỉ khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong hoạt động chuyên môn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh.
Lâu nay, việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất vào bệnh viện là rất phổ biến, thậm chí còn góp phần không nhỏ trong khám chữa bệnh. Đơn cử, mỗi năm Bệnh viện K thực hiện tới 4 triệu xét nghiệm sinh hóa - miễn dịch, 1 triệu xét nghiệm huyết học, vi sinh… và đa số thiết bị thực hiện những kỹ thuật xét nghiệm là máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu vật tư hóa chất. Sở dĩ các cơ sở y tế và người bệnh phụ thuộc nhiều vào máy mượn, máy đặt của doanh nghiệp là do lâu nay vốn ngân sách đầu tư nâng cấp, phát triển trang thiết bị y tế còn hạn chế. Trong khi nhu cầu của người dân về chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng cao nên nhiều bệnh viện đã chọn lựa hình thức mượn, hoặc cho phép đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt máy móc, thiết bị tại bệnh viện. Đây được xem là hình thức “hợp tác” phù hợp thực tế, các bên đều có lợi và quan trọng hơn là người bệnh được nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị.
Thực tế cũng cho thấy không ít bệnh viện đã lợi dụng việc này để trục lợi, gây ảnh hưởng tới Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh bằng cách lạm dụng, chỉ định tràn lan xét nghiệm, chiếu chụp liên quan tới máy mượn, máy đặt, hoặc nhập nhằng trong sử dụng thiết bị y tế do ngân sách đầu tư với thiết bị y tế mượn, đặt của doanh nghiệp. Do vậy, suốt thời gian qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có không ít điều chỉnh, thay đổi chính sách liên quan đến việc máy mượn, máy đặt tại bệnh viện. Tuy nhiên, 2 cơ quan này đều chưa tìm được các biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả đúng các quy định pháp luật về hoạt động máy mượn, máy đặt. Thậm chí, ngay cả đề nghị dừng thanh toán bảo hiểm y tế đối với dịch vụ thực hiện bằng máy mượn hoặc đặt cũng không có sự hợp lý, thống nhất giữa 2 cơ quan khiến bệnh viện và địa phương rất lúng túng, khó xử.
Hiện nay, trên 90% dân số đã có bảo hiểm y tế. Khi người dân đến cơ sở khám chữa bệnh, không được thanh toán bảo hiểm y tế không chỉ bị ảnh hưởng quyền lợi mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Bởi lẽ, khi không được thanh toán bằng bảo hiểm y tế, người bệnh buộc phải đứng trước sự cân nhắc, lựa chọn là bỏ tiền túi ra điều trị, hay là chấp nhận bệnh tật, rủi ro không điều trị vì không có tiền chi trả dịch vụ y tế. Nếu để xảy ra việc cực chẳng đã này ở người bệnh, rõ ràng Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Thời gian qua, người bệnh đã rất vất vả trước không ít những quyết định khó hiểu và bất thường của cơ quan quản lý. Nhiều người vẫn không thể quên cảnh người lao động ở nhiều địa phương vật vã xếp hàng chờ đợi xin cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng BHXH. Còn mới đây, một số bệnh viện tại TPHCM bị thiếu thuốc chống thải ghép khiến bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài với giá cao chỉ vì chậm trễ đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Để chính sách bảo hiểm y tế bền vững, đảm bảo an sinh cho mọi người, đòi hỏi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những khó khăn trên và có cách thức quản lý hoạt động khám chữa bệnh hiệu quả, bền vững hơn, chứ không chỉ là những quyết định vội vã.