| |
10 năm trở lại đây, những cánh rừng phòng hộ ven biển miền Trung đã bị người dân, kể cả chính quyền địa phương thi nhau chặt phá để cấp đất cho các dự án xây dựng resort, làm hồ nuôi tôm. Để đến bây giờ, cái giá phải trả là những bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè nhưng rồi cũng bị sóng biển đánh tả tơi.
Không còn “lá chắn”
Những cánh rừng thông chạy dọc theo bờ biển là “tấm lá chắn” vững chắc cho người dân ven biển miền Trung mỗi khi mưa bão. Đây cũng là những “bờ đê” xanh vững chãi trước nạn xâm thực của biển bao đời nay. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, với sự “xuống tay” không thương tiếc của con người, những cánh rừng thông hàng chục năm tuổi đã bị bứng gốc để thay vào đó là những khu resort, hồ nuôi tôm.
|
Theo số liệu thống kê từ sở NN-PTNT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, diện tích ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát ven biển đã vượt con số hơn 1.000ha. Trước hấp lực lớn từ giá tôm kỷ lục trong vài vụ người dân đã ồ ạt chặt phá rừng phòng hộ, đào ao mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị), mặc dù cơ quan chức năng chưa cho phép nhưng nhiều hộ dân đã thi nhau chặt phá rừng ven biển, dùng máy móc đào hàng trăm hécta ao hồ chuẩn bị thả tôm. Những đụn cát và rừng thông chắn cát, sóng biển, bảo vệ làng mạc bao năm qua, phút chốc đã bị quật đào trốc gốc. Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, âu lo: “Kiểu này rồi không biết người dân phải chống chọi với gió bão thế nào nữa”.
Khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam trong suốt chiều dài gần 100km bờ biển, nếu như 10 năm trước đây được phủ kín bởi những rừng thông xanh mướt thì bây giờ chỉ trơ trọi những bãi cát trắng, hồ tôm nham nhở hay những khu du lịch, resort quy mô đồ sộ. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng trên tuyến đường ven biển nối từ Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Hội An (Quảng Nam) hơn 30km có trên 30 dự án khu du lịch, resort đã và đang triển khai xây dựng.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, nhớ lại: “Ngày mà người ta triệt hạ những rừng thông hàng chục năm tuổi để xây dựng các dự án du lịch ven biển thấy mà đau xót. Ngày đó, với tư cách là người làm công việc phòng chống lụt, bão, tôi đã có ý kiến với lãnh đạo thành phố là cần phải giữ lại những rừng thông để phòng chống khi bão xảy ra cũng như chống việc xâm thực của biển; các dự án có thể lùi vào trong. Thế nhưng ý kiến bị bỏ qua và các khu du lịch, resort cứ thế được cấp phép xây dựng sát mép biển. Trước đây, mỗi khi có bão đổ bộ vào, người dân Đà Nẵng đâu có bị thiệt hại nặng như bây giờ nhờ có những tấm lá chắn rừng thông cao ngút. Bây giờ thì hậu quả đã thấy rõ”.
Hậu quả mà ông Huỳnh Vạn Thắng nói là những năm gần đây, tại các trục đường ven biển từ Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) kéo dài đến khu vực Xuân Thiều (Đà Nẵng) bị sóng biển đánh nát, sụp đổ nhiều đoạn. Và theo thời gian, sóng biển tiếp tục xâm thực mạnh, nhiều nơi sóng biển “ăn” sâu vào cả chục mét.
Còn tại Thừa Thiên - Huế, trung bình mỗi năm, bờ biển của địa phương này bị biển xâm thực vào 15 - 20m. Trong tổng số 120km bờ biển thì có tới 34km bị sạt lở nặng, năm nào cũng phải di dời dân đến nơi ở mới. Tại làng Thái Dương Hạ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ngôi làng vào loại cổ nhất miền Trung, những con sóng dữ ngày qua ngày đang “ngoặm” dần bờ biển, xua đuổi người dân. Đặc biệt, triều cường và gió bão số 7 vừa qua giật mạnh gây sạt lở nặng đoạn bờ biển khu vực Thái Dương Hạ, với chiều dài 700m tính từ cửa Thuận An đến góc mỏ hàn đê chắn sóng phía Bắc, ảnh hưởng đến 60 hộ dân sinh sống tại khu vực này, đồng thời có nguy cơ mở cửa biển mới thông vào phá Tam Giang.
“Bức tử” bờ biển
Còn nhớ hồi tháng 11-2007, nhiều người dân ở Đà Nẵng tỏ ra ngỡ ngàng khi biết UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Daewon) triển khai dự án Khu đô thị Đa Phước trên khu vực vịnh Đà Nẵng. Để thực hiện dự án này, 180ha vịnh Đà Nẵng phải bị san lấp và đây cũng là dự án lấp biển lớn nhất miền Trung cho đến thời điểm hiện nay. Đến nay, việc lấp biển gần như đã hoàn thành. Một vùng biển rộng lớn rồi đây sẽ mọc lên khách sạn, trung tâm hội nghị, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự…
Hiệu quả mà khu đô thị này mang lại chưa thấy, nhưng hậu quả thì đã thấy rõ. Việc lấp 180ha vịnh đã lấy đi chỗ neo đậu tàu thuyền của hơn 100 hộ dân nơi đây, để bây giờ cuộc sống của họ bị đảo lộn do nơi neo đậu tàu thuyền cách nơi ở quá xa. Không những thế, trong quá trình san lấp, một lượng bùn đất rất lớn đã chảy xuống làm bồi lấp vịnh, gây biến dạng hệ sinh thái nơi đây.
Tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), bãi biển được Tạp chí Forber của Mỹ bầu chọn là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh cũng xem ra không khá hơn. Vừa bước đến khu vực có họng cống nước thải đổ ra biển, một mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi, gây buồn nôn. Trước mắt là một dòng nước đem ngòm từ trong ống cống cứ thế chảy xối xả ra bãi biển mang theo nào là túi ni lông, rác… Cả một bãi cát dài trắng mịn bị xé toạc, tạo thành một dòng kênh rộng hơn 5m, dài cả chục mét cho nước thải đổ thẳng ra biển.
Trong những ngày hè vừa rồi, chúng tôi về biển Triệu Lăng (Quảng Trị), bãi biển dài và đẹp đang vào mùa du lịch tắm biển nhưng chỉ có 3 hàng quán dựng lên với vài người ngồi hóng gió biển. Hỏi ra mới hay, nước biển bẩn và ngứa quá nên không ai xuống tắm. Mọi năm, vào mùa hè bãi Triệu Lăng có đến hàng trăm người về tắm chật cả bãi biển, hàng quán buôn bán nước giải khát, đặc sản biển. Còn bây giờ, có chăng chỉ dân làng chài ra biển hóng mát. Nhiều người bán giải khát ở đây cho rằng, thủ phạm chính làm cho bãi biển Triệu Lăng bị ô nhiễm nghiêm trọng là chất thải từ các hồ tôm xả ra.
Thiên nhiên ban tặng cho miền Trung nhiều bãi biển, vịnh thuộc loại đẹp nhất hành tinh, như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), biển Cửa Tùng (Quảng Trị)… Thế nhưng đó là trong quá khứ, còn hiện tại, những bãi biển này đang thành những bãi rác không hơn không kém.
Nguyễn Hùng – Văn Thắng