Hệ lụy vi phạm bản quyền

Chỉ trong vòng 1 tuần lễ từ ngày khai mạc World Cup 2018, Đài truyền hình Việt Nam (VTV), đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình (BQTH) giải đấu tại Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nạn vi phạm bản quyền tràn lan trên Internet, bao gồm các trang báo điện tử, trang mạng xã hội với rất nhiều hình thức được nhận định là “vô cùng thô bạo và trắng trợn”.

Trong quá trình đàm phán mua bản quyền, ngoài yếu tố giá cả thì những quy định của FIFA mới thật sự gây trở ngại cho VTV. Việt Nam đã được đưa vào “danh sách xấu” với 2 lần bị ngưng hợp đồng BQTH bóng đá vì không kiểm soát được tình trạng vi phạm. VTV vừa mua, vừa… hồi hộp bởi chỉ cần bị phạt, nguy cơ mất trắng tiền là rất cao. Chính vì thế, sau khi có được bản quyền, VTV sẵn sàng chia sẻ cho các đối tác trong nước trên mọi hạ tầng có thể. Bằng phương pháp này, việc xem World Cup 2018 tưởng chừng là không thể dễ dàng hơn, việc vi phạm tưởng chừng không cần thiết.

Thế nhưng, các hành động vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan, công khai. Thậm chí một số trang điện tử và thông tin có đăng ký chính thức, cũng vô tư vi phạm bằng cách sử dụng hình ảnh từ các đài truyền hình nước ngoài trong các bài viết của mình thay vì chỉ cần xin phép để được trích sóng từ VTV với thời gian ngắn hơn theo quy định. Hàng ngàn trang web lậu vẫn livestream những trận đấu World Cup từ các đài quốc tế, bất chấp việc World Cup 2018 đang được phát cho tất cả mọi người ở Việt Nam gần như miễn phí.

Không khó để lý giải những hành động vi phạm trên: xuất phát từ lợi ích mang tính cục bộ. Các trang mạng cố tình vi phạm để thu lợi từ các nguồn quảng cáo dựa trên lượng người xem trên các trang của mình. Họ không những đã “ăn cắp” sản phẩm nước ngoài, mà còn gây hại đến nguồn thu quảng cáo hợp pháp của đơn vị sở hữu bản quyền như VTV. Đó là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà hậu quả của nó có thể khiến người yêu bóng đá của Việt Nam phải gánh chịu nếu như FIFA phạt và hủy quyền sở hữu của VTV. Khả năng người dân Việt Nam không được xem World Cup, VTV mất tiền, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở đây, vấn đề không còn là chuyện “thiếu ý thức” trong cách nhìn nhận về bản quyền mà cần phải gọi cho đúng tên: Vi phạm bản quyền. Các nguồn lợi từ click, view quá lớn khiến người ta cố tình lờ đi các cảnh báo và thu tiền từ các hành động vi phạm của mình. Động cơ phạm pháp quá rõ, bằng chứng cũng không khó tìm, hậu quả cũng dễ dàng nhận biết, chỉ tiếc là đến nay vẫn chưa có các xử lý mạnh tay ngoài những biện pháp đơn thuần về mặt kỹ thuật như báo cáo FIFA, dựng tường lửa, chặn IP…

VTV đã chịu không ít phản ứng khi mua bản quyền World Cup quá trễ, nhưng đa số lại khá thờ ơ trước tình trạng vi phạm. World Cup không chỉ là một bộ phim, một bài hát, không xem nghe lúc này thì lúc khác cũng chẳng sao. Chỉ cần FIFA nhận thấy sự bất lực của các biện pháp bảo vệ bản quyền tại Việt Nam, chúng ta sẽ phải đối diện với nguy cơ không được xem World Cup trong tương lai, hoặc phải mua bản quyền với giá trên trời kèm các điều khoản thua thiệt hơn. Đó là chưa nói, nếu một sự kiện như World Cup tạo ra tiền lệ xấu thì các bản quyền EURO, Champions League hay giải ngoại hạng Anh cũng chưa chắc sẽ đến với Việt Nam.

Trách nhiệm bảo vệ bản quyền World Cup vì thế không chỉ để cho một mình VTV gánh vác. Những cơ quan báo chí hoạt động trên Internet cũng cần chung tay. Đầu tiên là tôn trọng các quyền sở hữu của VTV, kế đến là định hướng người xem trên mạng về hậu quả rất xấu dành cho đa số người hâm mộ nếu như vi phạm bản quyền. Cần phải nhớ rằng, nếu các trận bóng đá hay nhất thế giới không được phát sóng hợp pháp một cách rộng rãi tại Việt Nam thì số lượng người tìm hiểu thông tin về bóng đá trên các phương tiện truyền thông cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Tin cùng chuyên mục