Hệ thống di tích bên bờ sông Bến Hải

Sông Bến Hải dài gần 100km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây - Đông, ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, dòng sông Bến Hải hiền hòa đã trở thành “nhân chứng lịch sử” hơn 20 năm trong nỗi đau chia cắt đất nước. Ngọn cờ nơi giới tuyến
Hệ thống di tích bên bờ sông Bến Hải

Sông Bến Hải dài gần 100km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây - Đông, ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, dòng sông Bến Hải hiền hòa đã trở thành “nhân chứng lịch sử” hơn 20 năm trong nỗi đau chia cắt đất nước.

Ngọn cờ nơi giới tuyến

Ngày 10-8-1954, cột cờ đầu tiên được dựng giữa sân đồn công an vũ trang giới tuyến Hiền Lương. Thời điểm ấy, hai cột cờ ở hai đầu cầu giới tuyến trở thành cuộc đọ sức đầu tiên giữa ta và địch ở khu phi quân sự. Cột cờ của ta những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12m, trên đỉnh thường xuyên treo một lá cờ bằng vải satanh, rộng 24,2m². Theo yêu cầu của đồng bào giới tuyến, ta phải cắm cờ cao hơn địch, nên cột cờ thứ 2 bằng gỗ cao 18m, cờ rộng 32m2 thay thế cột cờ cũ. Ngay sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm cho dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam.

Tháng 7-1957, ta đã dựng cột cờ bằng ống thép, cao 34,5m, trên đỉnh cột gắn một ngôi sao bằng đồng với đường kính 1,2m, ở 5 đỉnh gắn 15 bóng điện, lá cờ rộng 108m2. Trước sự kiện bất ngờ này, Mỹ - ngụy vội nâng cột cờ của chúng cao 35m. Năm 1962, vật liệu được chở từ Hà Nội, quân và dân ta xây dựng cột cờ mới cao 38,6m với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến.

Để bảo vệ lá cờ Tổ quốc ở khu vực giới tuyến trong lúc kẻ thù luôn tìm cách đánh sập cột cờ, các chiến sĩ đồn Công an Hiền Lương đã chiến đấu hơn 300 trận lớn nhỏ. Tính riêng từ 19-5-1956 – 28-10-1967, ta đã treo 267 lá cờ các cỡ, trong đó riêng năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ - ngụy phá hỏng. Cờ vẫn bay hiên ngang trên bầu trời giới tuyến, nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ lá cờ.

Bom đạn quân thù bắn rách cờ đã có những bà mẹ thôn Hiền Lương vá cờ, một trong số những bà mẹ ấy là mẹ Nguyễn Thị Diệm. Mẹ Diệm sinh ra ở bờ Bắc sông Bến Hải, có chồng là chiến sĩ cách mạng Lê Văn Hồi đã hy sinh.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, mẹ Diệm ở với con gái, đến năm 1992 qua đời vì bạo bệnh với lời nhắn nhủ các con trước lúc ra đi: “Mạ muốn khi nằm xuống, mạ sẽ được đưa về lại nơi gần cột cờ Hiền Lương, để ngày ngày, mạ vẫn được nhìn thấy cột cờ...”. Đảng và Nhà nước đã truy tặng mẹ Diệm danh hiệu AHLLVT trong kháng chiến chống Mỹ.

Cầu Hiền Lương

Hiệp định Geneva ký kết, sông Bến Hải trở thành nơi cắt hai miền đất nước suốt 20 năm. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại Km735 trên quốc lộ 1A. Xưa kia, đoạn sông rộng 100m này chỉ có bến phà. Năm 1928, chính quyền phủ Vĩnh Linh huy động dân làm cầu bằng gỗ, cọc sắt rộng 2m dùng cho khách bộ hành. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng lại cầu bê tông cốt thép dài 162m, rộng 3,6m, tải trọng 10 tấn. Năm 1952 Pháp xây nâng cấp lần nữa có tải trọng 18 tấn. Cầu này tồn tại 15 năm (1952 - 1967) thì bị bom Mỹ đánh sập.

Cầu Hiền Lương lịch sử là một trong 4 địa điểm tại Quảng Trị tổ chức bắn pháo hoa vào tối 1-5-2012.

Cầu Hiền Lương lịch sử là một trong 4 địa điểm tại Quảng Trị tổ chức bắn pháo hoa vào tối 1-5-2012.

Từ năm 1972-1974, để phục vụ chiến trường miền Nam, công trình đã bắc cầu phao dã chiến gần cầu cũ. Đến năm 1979 ta cho xây dựng lại bằng bê tông cốt thép dài 186m, rộng 9m, có hành lang cho người đi bộ rộng 1,2m, cầu này vẫn còn, mang trong mình ý nghĩa là chiếc cầu thống nhất đất nước. Năm 1996, Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây cầu mới dài 230m, rộng 11,5m nằm về phía Tây cầu cũ. Cầu mới được thi công bằng công nghệ đúc đẩy. Hiện nay sông Bến Hải có 2 cầu nối đôi bờ Hiền Lương.

Bên cầu Hiền Lương - một khu di tích đã phục chế, trưng bày dàn loa phóng thanh của địch đã từng chịu thua dàn loa phóng thanh của ta, gồm 1 chiếc loa cơ động có công suất 500W (đường kính vành loa rộng đến 1,7m) cùng cộng hưởng với một dàn loa khác gồm 20 chiếc, với tổng công suất 7.000W.

Mỗi khi dàn loa của ta phát thanh, đồng bào ở cách bờ Nam 10km vẫn nghe được chủ trương chính sách của Đảng, Bác Hồ, tính ưu việt của chế độ ta. Nhân dân bờ Nam còn được thưởng thức những chương trình văn nghệ đặc sắc như bài: Câu hò trên bến Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nghe giọng ca đầy truyền cảm của nghệ sĩ Châu Loan.

Với lòng dũng cảm, với ý chí son sắt của quân và dân ta đã minh chứng trọn vẹn chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Nhà điện ảnh Thụy Điển Giơ-rit I-ven khi được chứng kiến cũng đã thốt lên: “Vĩ tuyến 17, nơi trưng bày sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”.

Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, song quá khứ hào hùng của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương sẽ mãi mãi đi vào tiềm thức của dân tộc và bè bạn năm châu. Di tích cầu Hiền Lương mãi mãi đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

VĂN THẮNG – LAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục