Hệ thống ngân hàng châu Âu trước cơn thủy triều mới

Bài học từ thắt lưng buộc bụng
Hệ thống ngân hàng châu Âu trước cơn thủy triều mới

Ngày 11-6, sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha (TBN) Mariano Rajoy xác định gói cứu trợ 100 tỷ EUR của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone) là dành để cứu trợ ngân hàng chứ không phải cứu trợ nhà nước, báo chí châu Âu đã lật lại vấn đề thắt lưng buộc bụng. Họ cho rằng cắt giảm ngân sách hay thắt lưng buộc bụng người dân có thể là liều thuốc chưa đủ vì con bệnh chính là hệ thống ngân hàng yếu kém của châu lục đang ngập nợ công này.

Người dân Tây Ban Nha cho rằng gói cứu trợ tài chính không thể chỉ dành cho các ngân hàng, mà cần cho người dân.

Người dân Tây Ban Nha cho rằng gói cứu trợ tài chính không thể chỉ dành cho các ngân hàng, mà cần cho người dân.

Bài học từ thắt lưng buộc bụng

Tây Ban Nha (TBN) là nước thứ 4 trong eurozone (sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha) phải nhận trợ giúp tài chính, từ khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu hai năm trước. Thỏa thuận cứu trợ đánh dấu một sự nhượng bộ lớn đối với TBN, vì Madrid  trước đây kiên quyết từ chối nhận trợ giúp từ bên ngoài.

Mặc dù các Bộ trưởng Tài chính eurozone bày tỏ kỳ vọng TBN sẽ vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay với quyết tâm tái cấu trúc ngân hàng, nhưng đã xuất hiện ý kiến cho rằng 100 tỷ EUR chỉ có tác dụng ngăn chặn sự đóng băng của hệ thống tài chính châu Âu trong ngắn hạn và sẽ tác động rất hạn chế đến nền kinh tế ốm yếu của nước này. Theo một số chuyên gia dự đoán, số tiền eurozone cần để ngăn chặn sự đổ vỡ của các ngân hàng TBN có thể lớn hơn nhiều so với con số 100 tỷ EUR do những yếu kém của hệ thống tài chính này đã bắt đầu từ những năm 1990.

Điểm mới trong gói cứu trợ, TBN không cần tuân thủ các yêu cầu khắc nghiệt về thắt lưng buộc bụng hoặc tái cấu trúc kinh tế như các nước đã nhận gói cứu trợ trước đó. Các điều kiện chỉ áp dụng với hệ thống ngân hàng. Giới phân tích cho rằng những bất ổn xã hội đang gia tăng tại Hy Lạp sau khi quốc gia này chấp nhận các điều kiện ngặt nghèo về cắt giảm chi tiêu công để được nhận cứu trợ đã giúp TBN “dễ thở” hơn. Thậm chí, các nhà cứu trợ còn gia hạn cho TBN thêm một năm nữa để hạ mức thâm hụt ngân sách xuống dưới giới hạn 3% GDP theo quy định của EU.

Eurozone trong thế cờ domino

Các ngân hàng đã phụ thuộc quá nhiều tiền vay mượn để tồn tại từ ngày này sang ngày khác. Theo New York Times, trong khi hệ thống ngân hàng TBN đang gánh khoản nợ xấu hàng tỷ EUR - kết quả của bong bóng bất động sản vỡ kéo theo suy thoái, thì tại Italia, một nền kinh tế lớn hơn TBN nhưng bị cho là mong manh, hầu hết các ngân hàng của nước này đều đang lây lất nhờ tiền vay mượn. Các nhà phân tích ước tính hệ thống ngân hàng châu Âu đã vay mượn khoảng 1,3 ngàn tỷ EUR từ các ngân hàng nước ngoài và các quỹ tiền tệ quốc tế. Lúc nào họ cũng ở trong tình trạng nợ tiền nhiều hơn tiền có trong tay.

Đầu tiên hệ thống ngân hàng Ireland, giờ đến hệ thống ngân hàng TBN. Theo giới phân tích, trong những tháng tới, hệ thống ngân hàng Italia có thể trở thành quân cờ domino tiếp theo bị ngã. Tháng trước, Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody đã cảnh báo hệ thống ngân hàng Italia đã “vung tay quá trán” và hạ mức tín nhiệm 26 ngân hàng Italia, trong đó có 2 trong số những ngân hàng lớn nhất nước này là UniCredit và Intesa Sanpaolo. Đó là chưa kể đến trường hợp nếu Hy Lạp rời eurozone, hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ còn gánh chịu nhiều tổn thất với các khoản đã trót cho Athens vay trước đó. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng Pháp và Đức chịu thiệt nhiều nhất và có thể mất lần lượt 20 tỷ EUR và 4,5 tỷ EUR.

Các báo lớn của châu Âu ngày 11-6 cho rằng hành động cứu TBN là một bước hoãn binh để lãnh đạo eurozone có thời gian tìm cách cứu châu lục này. Hơn lúc nào hết việc tìm ra một giải pháp giám sát tài chính và cải tổ hệ thống ngân hàng trở nên cấp thiết đối với lãnh đạo eurozone sau một thời gian hành động một cách chắp vá. Nói như Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde ngày 9-6 vừa qua: “Hệ thống ngân hàng châu Âu đang là tâm điểm lo lắng của chúng tôi”.

Từ hai năm nay, thắt lưng buộc bụng đã trở thành liều thuốc được áp dụng cho các quốc gia châu Âu không cân đối được ngân sách như Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha... Tuy nhiên những gì đã và đang diễn ra tại eurozone cho thấy, cắt giảm thâm hụt ngân sách chắc chắn không phải lối thoát duy nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Và các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định nếu không có giải pháp kịp thời, hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ bị những cơn thủy triều mới nhấn chìm.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục