Muốn thay đổi định kiến
Trong một lần chuyện trò, Helen Ngô tâm sự: “Sống ở Bỉ đã hơn 13 năm, tôi nhận ra những định kiến về ranh giới vô hình hoặc vô tình đặt ra giữa “bên này - bên ấy” đã cản trở sự thể hiện giá trị bản thân, năng lực cảm nhận quá trình bén rễ vào vùng đất mình đang sống. Cho nên, bỏ được định kiến cũng có thể ví như giải phóng năng lực”. Helen Ngô quan niệm, cần đủ năng lực để hỗ trợ người khác, nhất là đồng hương người Việt, khi họ cần tìm hiểu nhu cầu thị trường tuyển dụng để tìm kiếm việc làm; tư vấn nội dung, cách trình bày hồ sơ xin việc…
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế, Helen Ngô vào làm trong một công ty của Hà Lan có văn phòng tại Bỉ. “Em làm cũng đa dạng. Từ công ty chuyên về nghiên cứu y khoa, công ty sản xuất máy móc xây dựng, công ty tư vấn..., đến làm quản trị các website văn hóa, tổ chức sự kiện, điều phối viên dự án của chính quyền địa phương và bây giờ phụ trách lên kế hoạch cho Tập đoàn John Bean Technologies Corporation của Mỹ”, Helen Ngô tâm sự.
Theo Helen Ngô, làm việc cho ai và ở đâu thì điều cô quan tâm nhất vẫn là yếu tố con người, môi trường làm việc. Môi trường chuyên nghiệp là sự tôn trọng và làm đúng việc, chứ không phải là phân chia đẳng cấp, hay hạ thấp người khác. Có lẽ vì vậy mà có những lần Helen Ngô chuyển việc để thể hiện thái độ của mình...
“Sắp tới, em sẽ không có nhiều thời gian cho dự án podcast Kênh Việt Happiness Station, vì em mới nhận công việc theo kiểu trực chiến giữa thời bình, cũng căng thẳng”, Helen Ngô thông báo với tôi một tháng trước khi cô bước vào Trung tâm tiêm phòng Covid-19 tại Sint-Niklaas với vai trò điều phối viên nhân sự. Tháng 6-2021, nước Bỉ trải qua giai đoạn tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19. Làm ở trung tâm tiêm phòng, tiếp xúc hàng ngàn người, khả năng lây nhiễm cao, trong khi nhận thức của mọi người về tác dụng của vaccine còn mới mẻ, công việc của Helen là lựa chọn từ 1.000 tình nguyện viên trên hệ thống (học sinh 18 tuổi đến người nghỉ hưu) để điều phối, phân bổ khoảng 100 nhân viên làm việc mỗi ngày. Khi ấy, truyền hình địa phương đã đến trung tâm tiêm phòng và chọn Helen Ngô để phỏng vấn như một đại diện, nhưng cũng vì cô là một người nhập cư nhưng lại có khả năng đảm nhận vị trí đầy thách thức này.
Sau này, Helen Ngô kể lại: “Em từng được một bác cao tuổi chất vấn, sao không nhận người sẵn sàng làm miễn phí mà lại thuê sinh viên - đối tượng phải trả tiền; rồi tại sao ưu tiên việc làm cho học sinh OKAN (loại hình giáo dục dành cho người mới đến không nói được tiếng Hà Lan). Nhận học sinh OKAN đồng nghĩa thêm việc cho người điều phối, phải dành nhiều thời gian hướng dẫn hơn, có bạn không tự tin về ngôn ngữ nên không chủ động chào hỏi tạo cảm giác thân thiện cho người đến tiêm vaccine. Em muốn thay đổi cách nhìn nhận, định kiến của người địa phương về người nhập cư và tạo cơ hội cho người nhập cư hòa nhập”.
Thí điểm trại tiếng Việt
“Helen ở Sint-Niklaas ấy à, trong mắt cô ấy thì ai cũng giỏi, ai cũng đáng khen”; “Chẳng ai như Helen Ngô, bảo chồng đi thuê khách sạn ngủ để nhường nhà đón giáo viên, trẻ em vào thí điểm làm trại tiếng Việt”... Đó là một vài nhận xét dễ mến về Helen Ngô. Để mô hình thí điểm Trại tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở Bỉ thành hiện thực, Helen Ngô đã thuyết phục Mai Anh, một thạc sĩ ngôn ngữ từ Hà Lan sang Bỉ; hay mời cô giáo Christa Claes, người từng đoạt giải trong cuộc thi những giáo viên giỏi nhất vùng Flanders, đến trò chuyện, hướng dẫn... Helen Ngô khiến cha mẹ của các học sinh tin tưởng, gửi con đến trại tiếng Việt. Đây là ví dụ điển hình của khái niệm ai cũng có thể tỏa sáng khi ta đặt họ vào đúng việc. Helen thực hành điều này trước để sở hữu “vũ khí đặc biệt” mà cô gọi là tình thương.
Hồi mới quen Helen Ngô, tôi tưởng cô chỉ thích để tóc ngắn cho cá tính, hóa ra cô cứ đợi tóc dài khoảng 30cm, đủ tiêu chuẩn để hiến tặng ThinkPink (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát động các chiến dịch phòng chống ung thư ở Bỉ). Tại Bỉ, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ có khoản trợ cấp khoảng 180 EUR cho bệnh nhân ung thư mua một bộ tóc giả. Nhưng làm một bộ tóc giả rất tốn kém, có khi tới 1.300 EUR. “Em cũng vừa lập một fanpage Góc tặng đồ, dịch vụ miễn phí, giảm giá ở Bỉ, kêu gọi mọi người, đặc biệt là người Việt, cho đi những đồ không dùng nữa hoặc chia sẻ thông tin, dịch vụ hữu ích”, Helen Ngô thổ lộ.
Tôi cứ băn khoăn, Helen Ngô dùng niềm tin và tình thương để làm thước đo thành công của riêng mình, liệu cách sống ấy có ổn định và lâu dài không? Nhưng thôi, hãy cứ giữ băn khoăn này lại, vì như lời một bài hát mà cô Martine, giáo viên dạy hát cho Helen Ngô, viết: “U bent een “mooi” mens, met veel wijsheid en kracht, alleen u weet het zelf nog niet, alleen dat komt nog een dag” (tạm dịch: Helen, em là một người “đẹp”, em có cả trí tuệ và sức mạnh, chỉ là em chưa biết điều đó, ngày em biết điều ấy sẽ sớm đến thôi)!
Helen Ngô sinh năm 1987, là cựu học sinh chuyên Toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội. Năm 17 tuổi, cô sang Hà Lan du học tại Trường Đại học The Hague (Hà Lan). Năm 2010, cô sang Bỉ sinh sống và làm việc từ đó đến nay.