Hết sức thận trọng để tránh oan sai

Chiều 18-11, Quốc hội bàn về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Chỉ ra nhiều điểm “vênh” giữa dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) đề nghị chỉnh sửa dự thảo trên tinh thần lấy các bộ luật nêu trên làm gốc để đảm bảo sự thống nhất của pháp luật.
Hết sức thận trọng để tránh oan sai

Thảo luận về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự:

(SGGP).- Chiều 18-11, Quốc hội bàn về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Chỉ ra nhiều điểm “vênh” giữa dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) đề nghị chỉnh sửa dự thảo trên tinh thần lấy các bộ luật nêu trên làm gốc để đảm bảo sự thống nhất của pháp luật.

Đại biểu Lê Đông Phong (TPHCM)

Về các cơ quan được giao thẩm quyền điều tra, đa số nhất trí bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Song việc bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện vẫn có ý kiến khác nhau. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) phân tích: “Điều tra viên phải tinh thông luật pháp và chuyên nghiệp, vì yêu cầu điều tra chính xác, tránh oan sai cũng rất bức xúc. Tôi đề nghị chỉ bổ sung cơ quan kiểm ngư và Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thôi”.

ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) đồng tình với quan điểm không bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; nhưng đồng ý bổ sung cơ quan kiểm ngư. ĐB Lan cũng đồng ý mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh đối với lực lượng biên phòng. Đối với một số trường hợp phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra cơ quan khác; bà Hà Thị Lan yêu cầu: “Để bảo đảm phân công, phân cấp chuyên sâu rành mạch thì khi phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra cơ quan khác, cần tiến hành chuyển giao vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền. Trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể tiếp tục điều tra nhưng phải báo cho cơ quan có thẩm quyền và tuân thủ quy định về sự phối hợp được quy định rõ trong luật này”.

ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang)

Đáng lưu ý, về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (Điều 44 của dự thảo Luật), hiện vẫn có hai loại quan điểm khác nhau. ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) và nhiều ý kiến khác nhất trí với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an vì cho rằng quy định này là phù hợp với thực tiễn. Ông nói: “Giao các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra như quy định trong dự thảo Luật là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. ĐB cũng cho rằng quy định tại dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo các khoản quy định về trách nhiệm của Công an xã riêng và trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an riêng, phù hợp với thực tiễn. Tuy thế, ĐB Hà Thị Lan vẫn không nhất trí với quy định của dự thảo Luật và cho rằng lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an không có nghiệp vụ cơ bản trong hoạt động điều tra; dẫn đến khả năng có thể dẫn đến làm sai lệch vụ án hoặc bạo hành, xâm phạm quyền con người của đương sự.

Với tinh thần thận trọng, tránh oan sai, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị quy định chặt chẽ hơn về những điều cấm đối với Điều tra viên theo hướng khẳng định rõ điều tra viên không được tư vấn, không được mang hồ sơ, tài liệu ra khỏi cơ quan trái quy định…

Theo chương trình nghị sự, dự án Luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.

ANH PHƯƠNG - ẢNH: LÃ ANH)

Tin cùng chuyên mục