Châu Âu quay lại sử dụng than

Hiểm họa lớn cho khí hậu toàn cầu

Trong thời điểm các chuyên gia khí hậu hàng đầu trên thế giới nhất trí phải nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải carbon để "cứu" thế giới tránh khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhà sản xuất điện lớn nhất Italia, Enel, lại đang chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện ở Civitavecchia (cách Rome 80km về phía Tây-Bắc) từ chạy dầu sang hoạt động bằng than, thứ nhiên liệu "bẩn" nhất trên Trái đất.

Trong 5 năm tới, Italia sẽ tăng sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện từ 14% lên 33%. Tuy nhiên, Italia không phải là nước duy nhất quay lại sử dụng than. Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, trong khi giá dầu, khí đốt tự nhiên tăng cao kỷ lục cộng với sự lo ngại về an ninh năng lượng và "ác cảm" với điện hạt nhân, các nước châu Âu đang ồ ạt xây dựng 50 nhà máy điện đốt bằng than trong vòng 5 năm tới, và những công trình này sẽ được sử dụng trong 5 thập kỷ tới đây.

Tại Mỹ, chỉ có một vài nhà máy điện kiểu này đang hoạt động vì phần lớn, điện hạt nhân vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Việc các nền kinh tế phát triển nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sử dụng than là nguồn nhiên liệu chính phục vụ cho hơn 2 tỷ người dân của 2 quốc gia từ lâu đã được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc giảm khí thải carbon. Nay việc họ lại được châu Âu "chung tay, góp sức", quay lại sử dụng than, càng khiến các nhà bảo vệ môi trường lo ngại.
 
Các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra tại Civitavecchia, tại nhà máy điện mới được xây dựng ở Đức, một nhà máy khác ở CH Czech cũng như nhà máy điện Kingsnorth ở Kent (Đông Nam nước Anh) - nhà máy điện chạy than mới đầu tiên tại Anh trong hơn 1 thập kỷ qua. Những chủ nhân của các nhà máy điện châu Âu này khẳng định rằng họ đang xây dựng các nhà máy điện mới chạy bằng "than sạch". Nhưng những người chỉ trích cho rằng "than" không thể "sạch". James E.Hansen, nhà khí hậu học hàng đầu của NASA, phản đối mạnh mẽ: "Xây dựng những nhà máy điện đốt than là ý tưởng bệnh hoạn. Chúng ta phải dừng việc làm này lại ngay trước khi quá muộn".
 
Tuy nhiên Enel, cũng như nhiều công ty điện khác cũng đưa ra những lý do biện hộ cho mình. Họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than để thay thế những hệ thống già cỗi, đặc biệt ở những nước như Italia, Đức, việc sử dụng điện hạt nhân đều bị cấm. Giá nhiên liệu đã tăng 151% kể từ năm 1996 và Italia phải trả tiền điện cao nhất trong các nước châu Âu. Xét về chi phí và an ninh năng lượng, than đều có lợi thế hơn tất cả những nhiên liệu khác. Dự trữ than sẽ còn kéo dài trong 200 năm nữa, nhiều hơn hơi đốt tự nhiên 50 năm. Than cũng tương đối rẻ so với dầu và hơi đốt tự nhiên mặc dù giá than đã tăng gấp 3 lần trong vài năm qua. Quan trọng hơn nữa là có rất nhiều nước tham gia xuất khẩu than nên việc đàm phán về giá cả cũng dễ dàng hơn. 

 ANH VĂN (Theo New York Times)

Tin cùng chuyên mục