Nhiều tháng qua, người dân sinh sống tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) rất bức xúc trước tình trạng các mỏ đá hoạt động mất an toàn, xe ben lưu thông ra vào các mỏ đá gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống tại các khu vực này.
Xe tải chở đá từ mỏ Tân Cang (Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai) gây hư hỏng đường sá, tung bụi mù trời
Bụi bặm từ các đoàn xe
Những ngày đầu tháng 9, tranh thủ những ngày nắng ráo, các xe ben chở đá từ các mỏ khai thác trên địa bàn phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ráo riết hoạt động. Dọc theo quốc lộ 1K (đoạn từ trạm thu phí giao thông quốc lộ 1K đến trụ sở UBND phường Bình Hòa, thị xã Dĩ An), chỉ chừng hơn 2km nhưng xe tải lưu thông tấp nập. Giữa trưa, xe ben chở đá lao vun vút khiến bụi đường tung mịt mù. Ở đây, xe ben thường vận chuyển đá khai thác từ phường Tân Đông Hiệp đi về các hướng TPHCM và Đồng Nai; do xe chở đầy đá nên khi lưu thông trên quốc lộ đã làm rơi nhiều viên đá nhỏ xuống đường. Xe chạy nhanh, khiến đá dưới mặt đường bắn tung tóe, cộng với bụi bay mù mịt làm nhiều người điều khiển xe máy trên quốc lộ 1K muốn “thót tim”.
Cạnh đó, tại khu vực phường Bình An (thị xã Dĩ An) có 2 mỏ đá đang hoạt động (là Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ) do Công ty CP Núi Đá Nhỏ khai thác cũng gây nhiều phiền toái cho bà con trong vùng. Chùa Châu Thới tọa lạc tại vùng này từ lâu, hàng ngày khách thập phương đến viếng chùa rất đông. Suốt 5 năm qua, hàng ngày xe tải chở đá qua lại khiến con đường dẫn vào chùa dài hơn cây số nát bét, đầy ổ voi, ổ trâu, nắng thì mịt mù bụi, mưa thì lầy lội. Bà Nguyễn Thị Ba, bán quán nước trước cổng chùa Châu Thới than vãn: “Những mỏ đá này hoạt động suốt ngày đêm, không chỉ gây tiếng ồn mà bụi bám đầy nhà dân, áo quần, đồ ăn thức uống cũng nhiễm bẩn. Nhà nào ở đây cũng đều có người bị các chứng bệnh về hô hấp”.
Không chỉ gây bụi bặm, hư nát đường đi, việc khai thác ồn ào từ các mỏ đá khiến không gian ngôi chùa Châu Thới không còn sự tĩnh lặng, tôn nghiêm, ảnh hưởng không nhỏ đến danh thắng cấp quốc gia này. Được biết, UBND tỉnh Bình Dương cho gia hạn khai thác đá ở đây đến hết năm 2015.
Tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), không chỉ các mỏ đá gây ra khói bụi mà các đoàn xe tải nối đuôi nhau ra vào mỏ đá cả trăm chuyến mỗi ngày cũng là nguyên nhân khiến người dân lo sợ, ngán ngẩm. Các hộ dân sống quanh các mỏ khai thác khoáng sản tại các xã Phước Tân, Tam Phước (TP Biên Hòa) đã nhiều năm chịu đựng nỗi khổ chồng chất, từ việc nổ mìn phá đá gây nứt nhà, đến ô nhiễm khói, bụi… Bà Nguyễn Thị Mai, ngụ xã Tam Phước (TP Biên Hòa) ngán ngẩm: “Nhà tui gần mỏ đá nên bất an lắm, mỗi lần mỏ nổ mìn khai thác là lo đá văng vào nhà. Bụi bay mù mịt quanh năm suốt tháng nên cả nhà ai cũng bị ho, sổ mũi, viêm xoang”. Nghiêm trọng hơn cả là trường hợp của ông Phạm Văn Bông, ngụ ấp Tân Cang, xã Phước Tân (TP Biên Hòa). Vào thời điểm cuối tháng 10-2014, khi nghe tiếng còi báo động sắp nổ mìn từ mỏ đá Tân Cang, ông Bông đi kiểm tra quanh nhà, đóng tất cả các cửa và gọi vợ con vào nhà trú ẩn. Vừa vào nhà thì ông Bông bị một hòn đá to rơi từ mái tôn xuống, đập trúng ngực, khiến ông bất tỉnh. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, đến nay ông Bông được Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đồng Nai kết luận bị thương tật 29% do gãy xương đòn, xương sườn bên trái và giập phổi. Công an TP Biên Hòa xác định vụ việc này là do HTX An Phát nổ mìn, đá văng khiến ông Bông bị tai nạn.
Tăng cường kiểm tra giám sát
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp (DN) sử dụng vật liệu nổ trong hoạt động khai thác đá. Khối lượng thuốc nổ sử dụng tăng dần qua các năm. Trong quy trình, kỹ thuật khai thác đá vẫn còn nhiều biểu hiện thiếu an toàn. Đáng nói là đa số DN lựa chọn giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường theo cách dễ nhất như làm hàng rào, tạo thành một hồ chứa nước sạch, có đê bao xung quanh hoặc làm khu du lịch sinh thái; không DN nào chọn giải pháp san lấp trả lại hiện trạng ban đầu.
Tại vùng Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai là địa bàn được đánh giá có tiềm năng khoáng sản lớn, với trữ lượng hàng triệu tấn. Hiện có 41 mỏ đã được cấp phép thăm dò, khai thác trên tổng diện tích hơn 1.400ha. Chỉ nói riêng về TP Biên Hòa, việc khai thác cùng một lúc nhiều mỏ đá xung quanh đô thị lớn này khiến cuộc sống người dân đảo lộn, môi trường bị ô nhiễm nặng. Các đoàn xe “vua” chở quá tải từ các mỏ đá “cày xới” các tuyến đường, khiến tình hình an toàn giao thông trên địa bàn ảnh hưởng nghiêm trọng. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần có ý kiến về việc xem xét, điều chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản và phục hồi môi trường hậu khai thác tại địa phương. Thời gian gần đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có động thái khi phê duyệt 90 khu vực không được đấu giá quyền khai thác khoáng sản, với mục đích bảo vệ môi trường.
Chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và môi trường ở các mỏ khai thác khoáng sản tại vùng Đông Nam bộ là vấn đề lâu dài và thường xuyên, đó là những khẳng định của lãnh đạo ngành TN-MT tại các địa phương trong vùng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Các DN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong khu vực mỏ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, đối với giải pháp giảm thiểu bụi trong quá trình nghiền sàng và giảm bụi trên đường vận chuyển, các DN thực hiện chưa triệt để, nên vẫn còn tình trạng gây phát tán bụi. Ngoài ra một vài khu mỏ chưa trồng cây xanh xung quanh ranh giới mỏ để giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Sở TN-MT đã kiến nghị và UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời xử lý vi phạm để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân”.
ĐỨC TRUNG - VĂN HUY