Hiểm họa từ “uống quá chén”

Vụ tai nạn giao thông tại đường Láng (Hà Nội) do lái xe ô tô vi phạm nghiêm trọng nồng độ cồn, khiến một nữ công nhân môi trường tử vong chưa kịp lắng xuống thì mới đây lại xảy ra vụ tai nạn làm 2 nạn nhân nữ tử vong ở hầm Kim Liên...

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với trường hợp đã uống rượu bia mà vẫn cố tình lái xe cần phải có những biện pháp xử lý thật mạnh tay mang tính răn đe mạnh hơn, bởi lẽ đây là hành động coi thường tính mạng người khác và của chính mình. Hậu quả từ việc “uống quá chén” có thể kéo theo tính mạng của nhiều người. Những vụ việc tương tự cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm bài học cảnh tỉnh đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Ghi nhận tại TPHCM cho thấy, tình trạng nhiều người nhậu xong vẫn vô tư lái xe trên đường rất phổ biến. Tại cung đường Trần Não (quận 2), đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) hay tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, hôm nào cũng vậy, khoảng 17 giờ 30, lượng người đến các quán nhậu rất đông. Sau mỗi cuộc vui, ai cũng có men bia (hay rượu) nhưng vẫn ra lấy xe máy đi về, nhiều trường hợp cả xe và người cứ xiêu vẹo, lảo đảo trên đường. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu bia làm chậm khoảng 10%-30% tốc độ phản ứng; đồng thời hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, hạn chế khả năng nhận biết vật từ xa, tầm nhìn ban đêm giảm tới 25%. Người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl (tương đương uống 2 lon bia 330ml), nguy cơ bị tai nạn giao thông tăng gấp 40 lần so với người không uống. WHO nhấn mạnh, phòng ngừa tác hại của rượu bia bằng cách kiểm soát giá, thuế; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; cấp phép các điểm bán và thời gian bán.

Trong đó, kiểm soát giá được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ rượu bia. Nghiên cứu của WHO cho thấy, nếu tăng giá bán thêm 25% thì giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã chỉ ra rằng, rượu bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông; tuy nhiên, tình trạng lái xe vi phạm vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ; gây ra hàng trăm, hàng ngàn vụ tai nạn thương tâm, cướp đi mạng sống của biết bao người vô tội. 

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát tình trạng lái xe uống rượu bia. Theo đó, cần thống nhất quy định nồng độ cồn đối với người lái ô tô và xe máy là 30mg/dl. Nên nghiên cứu hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao hơn 80mg/dl; bắt buộc lao động công ích, phạt nặng hành vi tái phạm; khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do sử dụng rượu bia gây ra. 

Thời gian qua, cảnh sát giao thông TPHCM cũng đã tăng cường công tác kiểm tra đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia. Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông TPHCM sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy với tài xế trên các tuyến quốc lộ, cao tốc. Ngoài ra, cảnh sát giao thông cũng tập trung ngăn chặn vi phạm từ nơi tài xế xuất phát như bến bãi, nhà hàng, quán bar... 

Đối với các trường học, cần lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của việc lạm dụng rượu bia vào môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp các cấp học, bậc học. Chú trọng tuyên truyền, thông tin cho học sinh, sinh viên về tác hại của rượu bia với sức khỏe con người, tác hại đối với từng lứa tuổi, kỹ năng từ chối uống rượu bia… 

Tin cùng chuyên mục