Hiểm họa vượt sông Ba

Lội sông đi học

Đã nhiều năm nay, dù mùa khô hay mùa mưa, hàng trăm học sinh và người dân ở hai huyện Kbang và Krông Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn phải vượt sông Ba đi học, đi làm. Sự an toàn giao thông đường thủy không đảm bảo từ sự chủ quan của người dân.

Lội sông đi học

Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ ngày suýt bị chết đuối, em Nguyễn Thị Hằng, học sinh lớp 6A Trường THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Kbang, huyện Kbang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại lần bị nước cuốn trôi: “Lúc tan trường ra về, nước sông Ba dâng cao đến nửa người, cháu được anh Sơn (lớp 7A, cùng trường) cõng. Nước chảy xiết nên mới đi được hơn nửa đường anh Sơn đã đuối sức, cháu và anh bị cuốn trôi gần cả chục mét. Cũng may, chúng cháu được bạn bè cứu kịp thời”.

Em Trương Thị Thùy Vân, học sinh lớp 6A3 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Kbang) cũng suýt bị chết đuối khi đi học về, may có em Lê Văn Trường, học sinh lớp 8C Trường THCS Lê Quý Đôn kịp cứu.

Không riêng Hằng và Vân, từ đầu năm tới nay có rất nhiều học sinh ở tổ dân phố 21, thị trấn Kbang (huyện Kbang) suýt chết khi vượt sông Ba đi học. Nhiều em bị cuốn trôi mất sách vở và xe đạp.

Người dân địa phương cho hay, để khỏi vượt sông Ba, còn có một con đường bộ đi qua xã Đông để đến các trường THCS, THPT ở thị trấn Kbang. Song theo các em học sinh, đường này quá xa, lại khó đi, nên việc vượt sông Ba, dù con nước lớn hay nhỏ, được cho là phương án tối ưu, kể cả những buổi học phụ đạo ban đêm. Chỉ khi nào thấy nước sông lên quá cao, các em mới được ba mẹ đưa qua hoặc quay lại đi đường bộ, chấp nhận muộn mấy tiết học.

Quan sát tại hiện trường, sông Ba rộng cả chục mét, cây cầu Jibic xây đã nhiều năm, nay vẫn đang ngổn ngang…

Thuyền quá tải, áo phao bỏ không

Năm 2007, cầu Bung bắc qua dòng sông Ba, nối thị trấn Phú Túc với các xã Krông Năng, Ia Dreh, Ia Rmok, Chư Drăng và Uar (thuộc huyện Krông Pa) bị sập. Để sang được thị trấn Phú Túc, người dân các xã nói trên phải chầu chực tại các bến sông. Hàng ngày, học sinh đi học, người dân có việc lên huyện, ốm đau bệnh tật phải chuyển lên tuyến trên..., tất cả đều phải đi bằng đò. Cũng bởi đi đò thường xuyên nên mọi người coi thường chuyện đề phòng tai nạn.

Để qua sông, ban ngày, khách phải trả 10.000 đồng/người, ban đêm giá tăng gấp đôi cho cả người và xe máy. Con đò chòng chành vượt sông trong lúc nước mấp mé, mọi người trên đò vẫn thản nhiên. Trên sóng nước dập dềnh, chủ đò Kpă Hai, ở buôn Jan, xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) khẳng định: “Có áo phao nhưng tôi không mang ra vì sợ mất trộm. Với lại, mùa mưa nước sông dâng cao mới dùng đến áo phao, chứ nước cạn thế này không cần dùng đến. Tôi đưa đò bao năm nay có sự cố nào đâu?”.

Qua sông Ba trên đò của Kpă Hai, chúng tôi sợ hãi. Nhìn con đò oằn mình chở người và phương tiện qua lại giữa dòng nước xiết, mà lo cho mạng sống của mình. Trò chuyện với chủ đò Kpă Hai, được biết mỗi ngày đò qua lại hơn 40 lượt. Mỗi chuyến không cố định số lượng người, tùy theo nhu cầu của khách qua sông. Ngày đông, mỗi chuyến chở hàng chục người, chất thêm từ 10 đến 12 xe máy và hàng hóa kèm theo.

Không riêng gì đò của Kpă Hai mà nhiều con đò ở các xã Ia Dreh, Krông Năng... cũng không mang theo áo phao, phao cứu sinh và các trang thiết bị bảo đảm an toàn. Để đối phó với ngành chức năng, một số đò cũng có áo phao nhưng chất lượng không đảm bảo, rất ít khi đưa ra cho khách sử dụng. Khi hỏi lý do, một chủ đò cho biết: “Cũng có lần đưa áo phao cho khách mặc nhưng họ từ chối vì sợ bẩn”.

Được biết, trên địa bàn huyện Krông Pa, dọc theo dòng sông Ba có 5 bến đò tự phát, mỗi bến có vài con đò và chủ đò khác nhau nhưng họ và khách qua sông đều có chung sự chủ quan mỗi khi bước lên đò.

Đức Trung – Đức Mạo

Tin cùng chuyên mục