Vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Ia Khươi, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hồi tuần qua làm cả 14 người trên một xe công nông (xe cơ giới tự chế) bị hất xuống đường, trong số đó 5 người tử vong, 9 người còn lại bị thương, khiến dư luận bàng hoàng. Vấn đề cần báo động là pháp luật về giao thông đường bộ chưa được người dân và cơ quan chức năng coi trọng.
Xe cấm lưu hành ngang nhiên hoạt động
Từ ngày 29-6-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nêu rõ: “Đi đôi với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự an toàn giao thông, phải kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm các quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông. Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành các ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung công quỹ”. Tiếp đó, ngày 8-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1491/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng.
Thực thi Nghị quyết 32, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế xe công nông, như cấm lưu hành trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ; chỉ được phép lưu hành trên đường giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các loại phương tiện này... Thế nhưng, qua 8 năm bị cấm lưu hành, xe công nông vẫn chạy nghênh ngang trên các tuyến đường, kể cả quốc lộ, bất kể thời điểm nào.
Xe công nông không biển số chạy nghênh ngang trên quốc lộ 14 Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Điều đáng sợ là loại xe này có rất nhiều cái không: không an toàn, không có đăng ký, không có quản lý, tài xế không có bằng lái (thiếu niên tập lái sơ qua cũng cầm lái)… Mặc dù loại xe tự chế này không đảm bảo an toàn, nhưng nhờ giá rẻ, đa năng, nên vẫn được nhiều người dân chọn dùng. Người ta thường “độ” lại loại xe này tùy theo công năng muốn sử dụng như dùng để tưới cây, bơm nước, cày xới đến chuyên chở. Hiện ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kom Tum, Lâm Đồng vẫn còn rất nhiều xe công nông lưu thông trên quốc lộ, chạy với tốc độ cao. Do vậy, đã có nhiều tai nạn khủng khiếp gây thiệt hại về người và của xảy ra bởi những “hung thần” xe công nông này. Nguy hiểm nhất là khi xe công nông đi vào ban đêm mùa mưa, hay lúc sáng sớm sương mù dày đặc, vì đèn của xe công nông không đủ sáng, không có đèn xi nhan, không còi.
Buông lỏng kiểm soát
Việc kiểm soát nhằm hạn chế tai nạn từ xe công nông vẫn bị buông lỏng, nên hiểm họa từ loại xe này vẫn ngày đêm rình rập người và phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông chở người, xảy ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai. Theo số liệu của Công an tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh này có đến trên 25.000 xe công nông lưu hành, nhưng chỉ có 3.637 xe được đăng ký cấp biển số. Không chỉ hoạt động ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, có khi xe công nông còn xuất hiện ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TPHCM), chở vật liệu, đất cát công trình.
Qua 8 năm, Nghị quyết 32 vẫn chưa được thực thi nghiêm túc. Những vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 32 cũng không được các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đề xuất Chính phủ bổ sung, sửa đổi kịp thời. Chính các cơ quan chức năng ở các địa phương đã không muốn mạnh tay cấm xe công nông lưu thông với cái cớ: các tỉnh cao nguyên có diện tích đất trồng cây công nghiệp lớn, người dân sử dụng xe công nông mới thuận tiện với địa hình. Để giải quyết khó khăn cho người dân trong việc chuyển đổi phương tiện, theo Quyết định 1491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thay thế xe công nông được hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ để mua xe 4 bánh chở hàng dung tích 300cc, tải trọng 500kg. Song, thực tế muốn tìm ra phương tiện thay thế xe công nông rất khó, vì chi phí quá lớn, lại không đa năng như xe công nông; do vậy cấm xe công nông sẽ làm khó người dân sản xuất nông nghiệp. Cho nên, vấn đề cấp bách cần đặt ra cho các nhà quản lý giao thông và các nhà khoa học là trả lời câu hỏi: Phương tiện nào thích hợp để có thể thay thế xe công nông? Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể nghiên cứu lắp ráp, cải tiến để cung ứng cho nông dân loại xe an toàn không? Hoặc ít ra thì có được quy chuẩn kỹ thuật cho việc kiểm định cấp phép lưu hành đối với loại xe cơ giới tự chế chất lượng kỹ thuật cao hơn.
Trước mắt, để ngăn hiểm họa do xe công nông gây ra, cần phải kiểm tra, giám sát chặt việc thực thi Nghị quyết 32, nghiêm cấm xe công nông lưu thông trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trong thị trấn, thị xã và thành phố. Huyện, thị xã, thành phố nào còn để xe công nông lưu hành trên các tuyến giao thông kể trên, chủ tịch UBND huyện và trưởng công an phải bị kiểm điểm trách nhiệm.
KIÊN CƯỜNG - TIẾN ĐẠT