Mới đây, Liên hoan Ca múa nhạc thiếu nhi hè toàn thành 2016 chủ đề “Sắc màu tuổi thơ” diễn ra tưng bừng tại Nhà Thiếu nhi (NTN) quận 7, với sự tham gia của hơn 1.000 em thiếu nhi đến từ 24 quận, huyện. Liên hoan do NTN TPHCM phối hợp với NTN quận 7 tổ chức, nhằm tạo một sân chơi âm nhạc vui tươi dành cho trẻ em trong dịp hè, xây dựng không khí giao lưu thân tình, sôi nổi cho thế giới hồn nhiên trẻ thơ.
24 chương trình tham gia liên hoan được các NTN quận, huyện đầu tư xây dựng công phu, nhiều chương trình đạt được chất lượng cao với quy mô hoành tráng, ý nghĩa. Tuy nhiên, theo suốt cuộc liên hoan vẫn thấy một khoảng cách trong đầu tư về phục trang, đạo cụ, cảnh trí, tay nghề dàn dựng, đạo diễn, biên tập chương trình, nội dung và hình thức biểu diễn… giữa các đơn vị NTN quận trung tâm, quận nội thành và huyện ngoại thành. Dù rằng sau mỗi kỳ liên hoan, các đơn vị tổ chức, đơn vị dự thi, chính quyền địa phương luôn tìm biện pháp nhằm rút ngắn hơn khoảng cách vô hình ấy.
Theo ông Phạm Ngọc Quyên, Phó Giám đốc NTN TPHCM, từ năm 2000, khi các NTN “phủ sóng” 24 quận, huyện, liên hoan đã được duy trì tổ chức và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khi các huyện vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn, hạn chế về kinh tế và con người, NTN TPHCM đã kêu gọi anh em trong hệ thống NTN cùng chia sẻ với các đơn vị bạn bằng cách cho, tặng trang phục, đạo cụ, tác phẩm âm nhạc… giúp các đơn vị khó khăn có thêm tinh thần để tham gia vào sân chơi âm nhạc trẻ thơ. Đến thời điểm này, ở một số địa phương, các cơ quan chức năng đã sự quan tâm nhiều hơn đến các em thiếu nhi, các NTN cũng từng bước nâng chất hoạt động.
Tuy nhiên, cái khó của người dàn dựng chương trình tham gia liên hoan chính là sự hiếm hoi những sáng tác âm nhạc mới dành cho thế giới trẻ thơ. Hầu hết các ca khúc góp mặt tại liên hoan và xuất hiện ở nhiều cuộc thi văn nghệ thiếu nhi từ nhiều năm qua đều sử dụng phần lớn là những ca khúc ra đời từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhiều đạo diễn, biên tập và dàn dựng các chương trình ca múa nhạc thiếu nhi cũng cố gắng tạo nên màu sắc tươi mới cho ca khúc cũ bằng cách hòa âm phối khí khác đi, biên soạn lại, khoác lên mình những sáng tác vốn đã quen thuộc với trẻ thơ bằng một chiếc áo mới, có giai điệu rộn ràng, tươi vui, phù hợp xu thế hôm nay. Nhưng nếu 5 -10 năm nữa vẫn không có sự đầu tư sáng tác những ca khúc mới cho trẻ em, thì thế giới âm nhạc trẻ thơ của hôm qua, hôm nay hay ngày mai sẽ đành phải quẩn quanh và loay hoay với bấy nhiêu giai điệu quen thuộc. Đó chính là sự thiệt thòi của những búp măng non tương lai.
Cùng một tâm trạng băn khoăn, lo lắng về “khoảng trống vắng” của lĩnh vực sáng tác ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, cho biết: “Thời gian tới, Hội Âm nhạc TPHCM sẽ tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác ca khúc thiếu nhi, nhằm tạo điều kiện để các nhạc sĩ có thêm những cảm xúc chân thật, gần gũi với thế giới trẻ em, để sáng tác những ca khúc mới, phù hợp với đời sống tâm lý trẻ thơ hôm nay”. Hy vọng, với những việc làm ý nghĩa này sẽ giúp danh mục ca khúc thiếu nhi được dài thêm, có nhiều sáng tác thiếu nhi tươi mới, đáp ứng kịp nhu cầu giải trí, thưởng thức âm nhạc của trẻ em thành phố.
THÚY BÌNH