Hiệp định Paris vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, ngày 16-1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học: “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ: Hội thảo nhằm nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với tiến trình lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta; đúc kết những bài học kinh nghiệm vận dụng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo đó, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung như: Thứ nhất, phân tích làm rõ thắng lợi của Hiệp định Paris - đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Thứ hai, làm rõ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris đối với tiến trình cách mạng Việt Nam. Thứ ba, phát huy những giá trị to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của Hiệp định Paris trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh QUANG PHÚC

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh QUANG PHÚC

“Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá. Đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp chính trị - kinh tế, quốc phòng - an ninh và ngoại giao để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, lấy thắng lợi quân sự và chính trị là cơ sở để tiến công ngoại giao, đoàn kết quốc tế, cô lập kẻ thù. Trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của bối cảnh quốc tế hiện nay, cần phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động ngoại giao với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước; kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân; tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đó là bài học về quán triệt sâu sắc tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Điều đó làm nên đặc trưng của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.

Đó còn là bài học sâu sắc về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Đặc biệt, đó là bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Càng trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, chúng ta càng cần tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại và hoạt động ngoại giao để thực hiện thành công, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Quang cảnh hội thảo sáng 16-1-2023. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh hội thảo sáng 16-1-2023. Ảnh: QUANG PHÚC

Ôn lại tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris 50 năm về trước để định hướng tương lai, chúng ta quyết tâm vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột gồm đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo có hai phiên với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, nhân chứng lịch sử với 2 phiên thảo luận. Phiên 1: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết, thi hành Hiệp định Paris. Phiên 2: Vận dụng những bài học của Hiệp định Paris trong triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng.

Tin cùng chuyên mục