Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Bước ngoặt lớn

Dự kiến trong tháng 9-2014, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký kết, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ kinh tế - thương mại với EU. Nhiều nội dung quan trọng khác cũng được nêu ra tại hội thảo “Đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của EVFTA do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức mới đây tại TPHCM.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Bước ngoặt lớn

Dự kiến trong tháng 9-2014, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký kết, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ kinh tế - thương mại với EU. Nhiều nội dung quan trọng khác cũng được nêu ra tại hội thảo “Đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của EVFTA do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức mới đây tại TPHCM.

        Cắt giảm thuế quan, gia tăng xuất khẩu

Sau 6 vòng đàm phán kể từ tháng 6-2012, Việt Nam và EU đang tiến gần đến việc ký kết EVFTA. Đây sẽ là bước ngoặt lớn trong quan hệ kinh tế - thương mại với một trong những đối tác quan trọng nhất của nước ta. Theo các chuyên gia của EU-MUTRAP, hiệp định trên sẽ có nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam. Cụ thể, chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan đang được đàm phán đã có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên 30%-40%.

Dệt vải xuất khẩu sang Châu Âu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn. Ảnh: Phạm Cao Minh

Dệt vải xuất khẩu sang Châu Âu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn. Ảnh: Phạm Cao Minh

Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất gồm dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Dù vậy, mức độ mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của EU về một số mặt hàng sẽ quyết định mức tăng tổng thể về xuất khẩu có đáng kể hay không. “Về mặt kinh tế, EU là thị trường có vị trí hàng đầu, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU hỗ trợ nhau là chính. EU không phải là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển (chuyên gia chính của dự án) nhận xét. Hiệp định này cũng được kỳ vọng có tác động nhẹ theo chiều hướng tích cực đến giảm nghèo do ảnh hưởng tích cực đến lương và làm tăng nhu cầu lao động phổ thông. Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó dịch chuyển năng suất và tăng đầu ra. Về những thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước để thâm nhập thị trường EU khi EVFTA được ký kết thuộc các lĩnh vực thông tin thị trường, chất lượng sản phẩm, hàng rào pháp lý, vấn đề sở hữu trí tuệ… Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nếu không có những đánh giá chuyên sâu thì sẽ không thấy được những tác động to lớn, bởi vì EU chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, về khía cạnh pháp lý sẽ buộc chúng ta phải điều chỉnh một loạt các văn bản, sửa lại một số luật, các quy phạm pháp luật hình sự, hành chính và nhất là cải tiến môi trường đầu tư. Tất cả các thủ tục liên quan đến môi trường kinh doanh, Việt Nam phải phấn đấu cải thiện trong thời gian 2014-2015, nâng chỉ số lên mức trung bình của ASEAN 6, ít nhất là vượt qua ASEAN 4 (4 nước gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia).

        Tạo động lực đổi mới thể chế

Tính đến thời điểm này, EU là thị trường có vị trí hàng đầu trong xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư của Việt Nam. Từ năm 1995-2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 20 lần. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu trên 24,3 tỷ USD và nhập khẩu 9,4 tỷ USD. EU cũng là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với tổng số vốn đã đầu tư đạt 17 tỷ USD với 1.300 dự án. Đồng thời, từ năm 2007-2013, EU đã cung cấp 5,2 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam, trong đó có 43% là viện trợ không hoàn lại. Chính vì vậy, tác động của Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - EU đến kinh tế, xã hội của Việt Nam là rất lớn, tạo động lực cho đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia dự án EU-MUTRAP, khi EVFTA được ký kết sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nhiều ngành và lĩnh vực của Việt Nam cũng như tăng trưởng thương mại hai chiều. Bên cạnh đó, việc mở rộng năng lực sản xuất của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế và thuận lợi, bởi EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ nhờ vào việc áp thuế đối với các máy móc thiết bị công nghệ được giảm một cách tối đa, từ đó dịch chuyển năng suất và tăng đầu ra. Tuy nhiên, để EVFTA thực thi hiệu quả, Việt Nam cần đảm bảo lợi ích của khối doanh nghiệp và khối chính phủ được lồng ghép trong hiệp định cuối cùng. Đồng thời, cần có thêm các hoạt động tham vấn, phân tích và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về đàm phán FTA hiện còn rất kém ở Việt Nam. Tương tự, ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật MUTRAP cho rằng, khi EVFTA được ký kết, EU sẽ miễn giảm thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, mang lại lợi thế so sánh quan trọng cho hàng hóa của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh khác lưu thông trên thị trường EU, giảm nguy cơ không được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Việt Nam cắt giảm thuế theo EVFTA giữa hai bên cũng được hưởng lợi khi EU xuất khẩu các mặt hàng công nghệ, nguyên liệu, thương mại, dịch vụ… có chất lượng cao vào Việt Nam, góp phần trong dài hạn giúp tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ cải thiện được khung pháp lý trong nhiều lĩnh vực phi thương mại tốt hơn. Cùng với đó, sau khi hiệp định được ký kết, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 95.700 người sẽ thoát nghèo vào năm 2020.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, qua việc đàm phán và ký kết EVFTA với Việt Nam, phía EU kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam hướng tới mục tiêu ASEAN và các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,… Đồng thời, tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ của EU.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục