Thay đổi các giới hạn
Sự xuất hiện của hơn 1 triệu người di cư ở châu Âu, mà hầu hết trong số họ là những người tị nạn chạy trốn cuộc chiến ở Syria vào năm 2015, đã châm ngòi cho một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Các nước EU đã không ngừng tranh cãi về việc ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những người tị nạn sang châu Âu và liệu các quốc gia EU có nghĩa vụ phải giúp đỡ các quốc gia EU khác ở Địa Trung Hải như Hy Lạp, Italy và Malta - vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dòng người tị nạn hay không.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, dựa vào một trong những đề xuất mới đây thì mỗi năm EC sẽ xem xét và đưa ra một con số dự tính về số người tị nạn và nhập cư mà các nước thành viên phải tiếp nhận dựa trên tính toán về sức mạnh kinh tế, dân số của từng nước. EC cũng sẽ quy định chặt chẽ hơn về mức phạt đối với các nước không tuân thủ nghĩa vụ.
Tất cả nhằm đảm bảo toàn bộ thành viên EU sẽ phải thể hiện tình đoàn kết một cách bắt buộc với các nước tuyến đầu - thường là Hy Lạp, Italy hoặc Malta - mỗi khi các nước này chịu áp lực từ những người tị nạn mới đến. Điều này đồng nghĩa với việc các trợ giúp sẽ không còn giới hạn ở các nước có người di cư đến, mà sẽ được chuyển cho cả các nước thành viên khác để đưa người tị nạn trở lại nơi họ bỏ đi. Biện pháp này sẽ trấn an các nước như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia, vốn thường xuyên không chấp nhận người tị nạn vào lãnh thổ nước mình.
Ngoài ra, EC sẽ trợ cấp cho các nước tiếp nhận người tị nạn số tiền 10.000 EUR cho mỗi người tị nạn mà nước đó nhận về và 12.000 EUR nếu đó là trẻ vị thành niên. Bà Ursula von der Leyen nhận định, các quy định mới sẽ giúp EU tránh được những phản ứng cực đoan từ các nước thành viên. Dự kiến, gói chính sách mới về nhập cư và tị nạn được chính thức áp dụng từ năm 2023.
Hy vọng của người di cư có tay nghề cao
Hiệp ước sẽ mang lại cơ hội cho châu Âu chứng tỏ rằng họ có thể duy trì quyền cơ bản đối với người tị nạn. Hiệp ước mới sẽ bao gồm các kế hoạch tăng cường an ninh biên giới, hồi hương những người không đủ điều kiện được cấp quy chế tị nạn và đẩy nhanh thủ tục xin cư trú cho người tị nạn…
Tuy nhiên, trong những đề xuất gần đây, EC đã đặc biệt chú trọng đến đề xuất tạo điều kiện cho nhân tài và lao động có kỹ năng từ những người di cư. Trong một báo cáo mới đây, EC khẳng định rằng châu Âu hiện đang tụt hậu trong cuộc đua toàn cầu về việc thu hút nhân tài và lao động có kỹ năng tốt nhất thế giới. Do đó, hiệp ước mới phải có “hành động” nhằm thu hút nhiều nguồn nhân lực sáng giá từ các nước thứ 3 đến sống và làm việc tại EU, trong bối cảnh EU có dân số già với độ tuổi trung bình là 43,1.
Theo bà Ursula von der Leyen, EU hiện đang thua xa các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khác, như Mỹ, Canada và Australia… trong chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài. Do vậy, một chính sách hội nhập và di cư hợp pháp đáng tin cậy sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế châu Âu. Ý tưởng về Nhóm nhân tài EU lần đầu tiên được OECD đề xuất vào tháng 3-2019. Giờ đây, thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn, EC còn muốn khởi động quan hệ đối tác nhân tài với các quốc gia quan trọng không thuộc EU.