Phong trào thi đua yêu nước tại quận Tân Phú

Hiệu quả vì gắn với lợi ích người dân

Hiệu quả vì gắn với lợi ích người dân

Tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2008, Ban Thi đua khen thưởng TPHCM có nhận định: “Phong trào thi đua yêu nước tại một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, thiếu đồng bộ nên hiệu quả thấp. Tuy nhiên, cũng có địa phương đã gắn phong trào này vào nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương và mang lại kết quả bằng những con số thuyết phục, mà quận Tân Phú là một minh chứng”. Bằng cách nào quận Tân Phú đã làm được điều này? PV Báo SGGP trao đổi với ông Huỳnh Văn Hạnh, Chủ tịch UBND quận Tân Phú.

- PV: Thưa ông, trong khi còn không ít cơ quan, đơn vị xem thi đua yêu nước chỉ là… phong trào và làm theo tính chất phong trào thì quận Tân Phú lại khác…

Hiệu quả vì gắn với lợi ích người dân ảnh 1

Nhờ người dân quận Tân Phú hiến đất, đường Lê Trọng Tấn đã được mở rộng từ 8m lên 30m. Ảnh: H.HIỆP

Ông HUỲNH VĂN HẠNH: Quận Tân Phú luôn xem công tác thi đua là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của mình, vì đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Nếu chúng ta làm tốt thì công tác này sẽ tác động tích cực và góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Qua trải nghiệm, chúng tôi nhận thấy, để đạt hiệu quả thì phong trào phải được gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân. Trong công tác thi đua, nếu chúng ta có lấy được cờ này cờ nọ, bằng này bằng nọ, mà cuộc sống của người dân không được cải thiện thật sự thì nó cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi. Khi xây dựng phong trào thi đua, chúng tôi luôn tìm tòi học hỏi, xây dựng những mô hình mới để phát động, năm sau khác với năm trước. Từ khi thành lập quận đến nay, các phong trào thi đua của quận luôn gắn liền với nhiệm vụ mà thực tế đặt ra đòi hỏi quận phải giải quyết.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

Tháng 12-2003, quận Tân Phú được thành lập (tách ra từ quận Tân Bình) gồm 11 phường, phần lớn là các phường nông nghiệp, người dân còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Xuất phát điểm, cơ sở hạ tầng của quận còn nhiều bề bộn, chỉ có 42% đường giao thông được bê tông hóa. Trong khi đó, trên địa bàn quận có khá nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cần phải di dời theo chủ trương của TP.

Muốn chuyển doanh nghiệp gây ô nhiễm đi để đưa doanh nghiệp sản xuất sạch về, đòi hỏi hạ tầng phải tốt mới có thể “níu” được chân doanh nghiệp. Do vậy, năm 2004- 2005, quận phát động phong trào vận động nhân dân hiến đất làm đường. Nhờ vậy, đến nay khoảng 90% đường giao thông ở quận được nhựa hóa. Quận “treo” giải thưởng cho phường nào vận động được nhiều bà con hiến đất làm đường, người dân nào hiến nhiều đất cũng được động viên, khen thưởng kịp thời.

Trước thực tế thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất còn rườm rà khiến người dân kêu ca, năm 2006, quận đã áp dụng mô hình cấp giấy chủ quyền nhà, đất với thủ tục đơn giản. Qua đó, quận đã cấp 24.261 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nâng tỷ lệ hộ dân được cấp giấy chứng nhận từ 48% (năm 2005) lên 74,5% (tháng 6-2008). Riêng năm 2008, quận phát động phong trào thi đua về cải cách hành chính, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VN ISO 9001:2000 tại UBND quận và 11 phường trên 32 lĩnh vực.

Đặc biệt, năm 2008 quận phát động phong trào thi đua trong việc thực hiện công tác quy hoạch. Đến nay, quận đã được TP phê duyệt đồ án quy hoạch chung 1/5000 của quận và đồ án quy hoạch 1/2000 của 11 phường. Quận tổ chức công khai các đồ án quy hoạch đã được duyệt trên địa bàn 11 phường, xóa quy hoạch “treo” tại hàng chục khu đất đã quy hoạch công viên cây xanh hay công trình công cộng nhưng không khả thi.

- Phong trào thi đua được quận triển khai trong nhiều ngành, nhiều cấp. Làm thế nào để việc tuyên dương, khen thưởng đúng đối tượng?

Khi phát động bất kỳ phong trào thi đua yêu nước nào, UBND quận đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện từ các phong trào thi đua. Nhờ vậy, việc khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng những cá nhân, đơn vị xuất sắc đúng đối tượng, hạn chế tối đa việc tuyên dương, khen thưởng sai đối tượng.

- Như ông đã nói, phong trào thi đua yêu nước của quận luôn bám sát các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của quận và lợi ích của người dân. Vậy, trong năm 2009, phong trào này sẽ gắn với nội dung gì?

Năm nay, phong trào thi đua yêu nước của quận gắn kết với nội dung thiết kế đô thị. Căn cứ theo Quyết định số 93 của UBND TPHCM (ban hành ngày 26-12-2008) quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn TPHCM, quận sẽ ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập thiết kế nhà mẫu (quy định chiều cao, khoảng lùi…) và triển khai thực hiện thí điểm trên tuyến đường Lũy Bán Bích. Đây là tuyến đường dài, qua địa bàn đến 7 phường. Khi có thiết kế mẫu, người dân xây dựng nhà không cần phải xin phép, vì đây gần giống như là giấy phép chung, mà chỉ thực hiện thủ tục hoàn công. Phường nào vận động được nhiều người dân trên tuyến đường này áp dụng theo mẫu thiết kế chung sẽ được thưởng.

Về phía Phòng Quản lý đô thị quận, nếu đơn giản tối đa thủ tục cho những trường hợp không đủ điều kiện làm nhà theo thiết kế mẫu buộc phải xin phép, cũng được thưởng. Song song đó, UBND quận đã chỉ đạo Chi cục Thuế rà soát lại hoạt động của hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn, nếu doanh nghiệp nào duy trì sản xuất tốt, không sa thải công nhân… thì ngoài việc được giảm thuế theo chủ trương chung, quận sẽ đề xuất UBND TPHCM tặng bằng khen vào thời điểm 30-6-2009 cho những đơn vị xuất sắc, tiêu biểu.

Vân Anh thực hiện

Tin cùng chuyên mục