Sinh viên các nước đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”

Hiểu thêm về một dân tộc yêu hòa bình

“Last night, I dreamed of peace!” – Maggie Rich thật rạng rỡ khi bắt đầu cuộc trò chuyện cùng PV Báo SGGP và các sinh viên khác trong giờ giải lao của buổi học chuyên đề về quyển sách “Last night, I dreamed of peace”.
Hiểu thêm về một dân tộc yêu hòa bình

“Last night, I dreamed of peace!” – Maggie Rich thật rạng rỡ khi bắt đầu cuộc trò chuyện cùng PV Báo SGGP và các sinh viên khác trong giờ giải lao của buổi học chuyên đề về quyển sách “Last night, I dreamed of peace”. Các bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Cộng đồng De Anza (Mỹ) và sinh viên Đại học Hoa Sen đã có cơ hội quý báu để trải nghiệm một phần lịch sử và chia sẻ những suy nghĩ thú vị xung quanh một tác phẩm nổi tiếng và đầy ý nghĩa nhân văn.


° PV: Bài thuyết trình của các nhóm thật ấn tượng! Chắc chắn các bạn đã chuẩn bị rất kỹ cho buổi học chuyên đề đặc biệt này. Các bạn đã đến với chương trình như thế nào?

- Maggie Rich (quốc tịch Mỹ, ngành Sinh học phân tử, 29 tuổi): Ngay sau khi đọc thông báo chương trình học về Nhật ký Đặng Thùy Trâm ở Việt Nam, tôi vô cùng háo hức vì biết được đây là cơ hội trải nghiệm quý báu. Tôi cực kỳ ham thích học hỏi, và luôn muốn mình có thể tích lũy càng nhiều kiến thức càng tốt. Vì thế, không cần suy nghĩ quá lâu, tôi đăng ký tham gia chương trình ngay!

Giảng viên, sinh viên Đại học De Anza và Đại học Hoa Sen chụp ảnh lưu niệm cuối khóa học. Ảnh: CTV
Giảng viên, sinh viên Đại học De Anza và Đại học Hoa Sen chụp ảnh lưu niệm cuối khóa học. Ảnh: CTV

- Joyce Nguyen (du học sinh Việt Nam, ngành Thương mại, 19 tuổi): Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Việt đã để lại ấn tượng khá sâu sắc với tôi từ 5 năm trước nhưng ở lần đọc này, tôi cảm thụ được tác phẩm ở những góc mới hơn, đầy cảm xúc và lắng đọng. Có thể thế giới quan của tôi đang chuyển biến dần.

- Ngọc Hạnh (SV Đại học Hoa Sen): Từ khi biết mình được chọn để tham gia chương trình, ngoài đọc kỹ tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tôi chủ động tìm kiếm thêm thông tin để chuẩn bị thật kỹ. Tôi tìm những đoạn phim tư liệu hoặc những đoạn ghi âm lại từ chương trình đọc truyện đêm khuya trên đài phát thanh. Bạn bè cùng lớp thường thấy tôi chăm chú đọc tác phẩm mỗi giờ giải lao, họ tò mò và sau đó cũng bắt đầu tìm đọc và trao đổi cùng tôi.

° PV: Các bạn đã chuẩn bị những gì cho buổi học chuyên đề này?

- Matias Corbvalan (quốc tịch Mỹ, ngành Vật lý, 19 tuổi): Tôi chủ động đặt mua tác phẩm qua mạng. Điều thú vị là khi quyển sách được giao, bố mẹ tôi đã đọc ngay phần giới thiệu và nói rằng: “Một tác phẩm thật tuyệt vời! Con nên đọc kỹ và cảm nhận về một dân tộc yêu hòa bình!”. Và khi họ biết tôi đến Việt Nam tham gia khóa học chuyên đề này, họ rất vui! Thật ra, trước tác phẩm này, tôi đã đọc một số tác phẩm viết về đề tài chiến tranh ở Việt Nam. Những câu chuyện kể về con người trong cuộc chiến rất hấp dẫn, khiến tôi không thể rời mắt khỏi những dòng chữ. Càng đọc, tôi càng hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình và khát khao được có nó.

- Lina Wu (du học sinh Trung Quốc, ngành Thương mại, 21 tuổi): Trước khi tìm hiểu về tác phẩm “Last night, I dreamed of peace”, tôi đã được tiếp cận tác phẩm Truyện Kiều từ những buổi học do Trường De Anza và Trường Hoa Sen tổ chức. Trung Quốc và Việt Nam vốn có nhiều nét tương đồng nên khi tiếp cận tác phẩm, tôi dễ dàng đồng cảm với những suy nghĩ của các nhân vật. Tôi đã đọc rất kỹ tác phẩm, không chỉ để chuẩn bị cho bài thuyết trình mà còn để khám phá những nét riêng của người Việt Nam vốn rất thân thiện!

° PV: Ấn tượng lớn nhất mà tác phẩm “Last night, I dreamed of peace” mang đến cho bạn là gì?

- Mike Fong (du học sinh Hồng Công, Trung Quốc, ngành Thương mại, 20 tuổi): Tôi rất yêu quyển sách này. Nó mang lại cho tôi niềm tin vào cuộc sống và tôi hiểu ra rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, mỗi chúng ta phải luôn lạc quan. Tôi đã rất ngạc nhiên với cách mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm chăm sóc các bệnh nhân của mình. Đối với cô, bệnh nhân là người thân. Cô dành hết tâm sức để chăm sóc họ!

- Joyce Nguyen: Tôi chia sẻ với suy nghĩ này của Mike. Những câu chuyện về chị Đặng Thùy Trâm khiến tôi ý thức hơn về trách nhiệm của cá nhân mình trong cộng đồng. Một trong những lý do khiến tôi yêu thích tác phẩm là vì bố mẹ tôi đều là bác sĩ. Những điều tôi học từ họ, tôi có thể tìm thấy một phần trong tác phẩm này.

- Maggie Rich: Tôi cảm thấy tác phẩm rất gần gũi với chính mình. Với tôi, nhật ký là bản chụp bằng con chữ những cảm xúc của mỗi người, giúp chúng ta tìm lại được ký ức của mình bất cứ lúc nào. Khi lật giở những trang đầu tiên của tác phẩm, tôi nhủ rằng mình đang được sống ở một thế giới khác, được hòa mình vào một số phận khác. Càng đọc, tôi càng thấy được vẻ đẹp tâm hồn của những nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm, đặc biệt là bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

- Matias Corbvalan: Dù theo học về khoa học vật lý nhưng tôi rất yêu những tác phẩm văn học mang đậm tính nhân văn. Qua tác phẩm, tôi hiểu được một tình yêu lớn mà những nhân vật đeo đuổi, đó là tình yêu dân tộc. Từ đó lan tỏa thành tình yêu rộng lớn dành cho người thân, đồng đội, giữa những người xa lạ nhưng có cùng một lý tưởng.
 
° PV: Khi trở về Trường De Anza, các bạn sẽ mang theo những câu chuyện gì để kể lại với mọi người?

- Mike Fong: Dù chỉ ở lại TPHCM hơn một tuần nhưng tôi cảm nhận rất rõ sự yên bình của nơi này. Sau những buổi học, về khách sạn, tôi cùng một số bạn trong nhóm có thể đi bộ tham quan một số khu vực trung tâm. Rất thư giãn và thoải mái dù đang ở giữa một TPHCM nhộn nhịp và năng động! Nhưng quả thật thời gian quá ngắn. Tôi mong có dịp được trở lại đây, gặp lại những người bạn đáng mến và khám phá thêm nhiều điều hơn nữa!

- Lina Wu: Trong suốt thời gian ở đây, tôi thường xuyên gọi điện cho người thân để kể về những điều mới mẻ tôi bắt gặp được ở Việt Nam. Các bạn đã đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu và có lẽ không bao giờ tôi quên được những kỷ niệm đẹp cùng mọi người!

NHƯ QUỲNH thực hiện

Chuyên đề tìm hiểu về tác phẩm “Last night, I dreamed of peace” (Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình – bản dịch tiếng Anh của Andrew Xuân Phạm từ tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”) diễn ra tại Đại học Hoa Sen trong hai ngày 18 và 19-7. Giáo sư John Swession, cựu binh Mỹ, là người trực tiếp hướng dẫn buổi thảo luận. Ông từng có thời gian gắn bó với vùng đất Củ Chi và gọi đây là quê hương thứ hai của mình.
 

Tin cùng chuyên mục