Hiệu ứng mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ngày 9-12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hội nghị thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. 

Từ trong sâu thẳm, những ai thiết tha với lý tưởng của Đảng, luôn mong muốn Đảng ta - một Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện sẽ luôn giữ gìn và phát huy những phẩm chất của một Đảng tiên phong, luôn gắn bó với sự tồn vong của dân tộc, sẽ tiếp tục làm tốt vai trò lãnh đạo trong hành trình đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, nguy cơ vẫn hiện hữu là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp. Khẳng định công tác xây dựng Đảng là then chốt, từ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 12 văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị Trung ương 4 đã nhấn mạnh: Phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới.
Kết luận 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 4, khóa XIII đặt yêu cầu tiến hành đồng bộ, quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm là giải pháp căn cơ nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Không phải chỉ phòng chống tham nhũng, lãng phí mà còn phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tiêu cực nhiều nhưng trọng tâm là chống suy thoái về phẩm chất chính trị, về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đây là cái gốc. Nếu có đạo đức tốt, tư tưởng chính trị tốt, thực sự vì dân, vì Đảng thì làm sao phải tham nhũng.
Quy định 37-QĐ/TW (ngày 25-10-2021) của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm đã chính thức thay thế Quy định 47-QĐ/TW sau 10 năm thực hiện. Quy định 37 vẫn giữ nguyên số điều (19 điều), về nội dung cơ bản kế thừa các quy định cũ nhưng có một số điều mới, cũng như thay đổi về thứ tự và bổ sung nội dung mới. Nội dung sửa đổi, bổ sung là những điều cốt lõi, rộng hơn, bao quát hơn theo tinh thần Đại hội XIII, các văn bản pháp luật nhà nước và quy định của Đảng, phù hợp với thực tiễn của tình hình mới.
Yêu cầu của kế hoạch triển khai lần này nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức trách nhiệm, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Vấn đề đặt ra là gắn với việc thực hiện Kết luận 21 và Quy định 37 lần này của Đảng, ý thức tự giác chấp hành quy định của Đảng, sự tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được nâng cao hơn nữa, nhất là đối với những người giữ chức vụ cao. Cùng với đó việc thực hành dân chủ đòi hỏi phải thực sự và rộng rãi hơn nữa, việc tiến hành tự phê bình và phê bình phải nghiêm túc hơn nữa, trên tinh thần xây dựng để củng cố và phát huy sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Có như thế sức mạnh và uy tín của Đảng cầm quyền mới được củng cố và nhân lên trong điều kiện mới.  
Sức mạnh của đảng là sức mạnh của sự tự giác và nêu gương của mỗi đảng viên. Đó là sức mạnh của sự thôi thúc bên trong từ sự giác ngộ, từ tinh thần xả thân, dâng hiến vì lý tưởng cao đẹp như biết bao cán bộ, đảng viên đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước và cả trong lằn ranh sinh tử trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. 
Thông điệp trong xây dựng Đảng từ Kết luận 21 và Quy định 37 lần này của Đảng là sự đòi hỏi cao của Đảng đối với tất cả đảng viên, đối với cả những thành viên trong hệ thống chính trị. Đấy là thông điệp hành động, là sự tự đòi hỏi của mỗi đảng viên phải luôn không ngừng phấn đấu, tự chỉnh đốn để làm cho hình ảnh của mỗi người trong đội hình của Đảng là hình ảnh đẹp, gần gũi, thân thiện với dân, luôn đặt lợi ích của dân, của nước lên trên. 
Dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng là cách làm hiệu quả cần được phát huy, trong đó có đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể. Gần đây, Thành ủy TPHCM thông qua đề án nâng cao vai trò của Mặt trận và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp tại TP giai đoạn 2021-2030. Đây được xem là một trong những giải pháp để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.
Tin rằng với quyết tâm cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ người đứng đầu - Tổng Bí thư của Đảng cho tới lãnh đạo các cấp ủy và hơn 5 triệu đảng viên của Đảng sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực cho việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu đầy khát vọng của Đại hội XIII của Đảng.

Tin cùng chuyên mục