Tại một cuộc họp vừa diễn ra gần đây tại TPHCM về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhìn nhận hiện nay các nước phát triển đang có xu hướng hình sự hóa những hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Cụ thể gồm: mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không giới hạn đối với nhãn hiệu, quyền tác giả, các quyền liên quan và cả những sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… Việc thay đổi này đã đặt các doanh nghiệp nước ta trước hàng loạt thách thức tuân thủ quy định mới.
Tuy vậy, đánh giá một cách tích cực thì cuộc cạnh tranh mang tên sân chơi chung toàn cầu này buộc các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, tránh kiểu làm ăn cẩu thả, chụp giựt. Việc áp dụng chế tài mạnh, thậm chí xử lý hình sự các đối tượng vi phạm liên quan đến hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ là điều rất đáng hoan nghênh.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”
Đối với nội dung trên, người đọc liên tưởng tới yêu cầu mới đây của nước láng giềng Trung Quốc về việc siết chặt truy xuất nguồn gốc rau củ quả của Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước cuống cuồng lo sản xuất hàng sạch. Hay như câu chuyện bắt buộc đội nón bảo hiểm ở nước ta cũng vậy. Ban đầu người dân có vẻ khó chịu, tìm đủ cách phản ứng, nhưng sau đó có quy định xử phạt nghiêm minh, người dân đã tuân thủ. Tới nay, ai đó khi ra đường nhưng quên đội nón bảo hiểm sẽ cảm nhận sự trống trải, “lạc loài” của mình và chủ động tìm nón bảo hiểm để đội ngay.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nên việc mạnh tay xử lý hành vi xâm phạm, thậm chí xử lý hình sự (ví dụ: sản xuất, phân phối thuốc giả, thuốc nhái) cũng là điều nên làm ngay. Tất nhiên, cần vận dụng luật sao cho hiệu quả, hợp lý.