Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay 100% hồ chứa thủy lợi nhỏ đều đã đầy nước.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, ngay cả hồ Dầu Tiếng ở Bình Dương cũng phải xả lũ để đón lũ và hiện nay mực nước lũ chỉ còn cách mực nước cho phép là 70cm. Tuy nhiên do tình hình triều cường ở khu vực TPHCM đang lên cao với mức nước đo đã đạt 1,66m vào ngày 5-11 và dự báo sẽ đạt đỉnh là 1,6m vào ngày 6-11 nên TPHCM đã đề nghị tạm dừng xả lũ để giảm nguy cơ ngập lụt khi triều cường đạt tới đỉnh. Tuy nhiên, sau đợt triều cường sẽ lại tính toán xả lũ từ hồ Dầu Tiếng để đảm bảo an toàn hồ đập.
Trao đổi với báo giới tối ngày 5-11 ngay sau cuộc họp giao ban nóng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tìm các giải pháp ứng phó mưa lũ lịch sử tại miền Trung, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo tính toán đã có khoảng 1 tỷ m3 nước lũ đổ vào thượng nguồn sông Hương do mưa lớn.
Trong đó, các hồ chứa lớn ở thượng nguồn sông Hương đã tham gia tích cực vào việc cắt lũ cho hạ du, nhưng cũng chỉ đảm bảo tích được khoảng 50% lượng nước lũ. Như vậy vẫn còn khoảng hơn 500 triệu m³ nước lũ đổ về hạ du, gây ngập lụt trên diện rộng cho TP Huế.
Cũng theo ông Trần Quang Hoài, chiều 5-11, nước lũ trên sông Hương đã vượt mức báo động 3 tới 1m. Khoảng 80% đường giao thông ở TP Huế đã bị ngập sâu 0,3-0,5m (có nơi tới 0,8m). Tại các huyện Phong Điền, Hương Thủy, huyện Phú Vang, Phú Lộc… của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ngập tới 40% hoặc bị chia cắt, cô lập nhiều nơi do nước lũ.