Hơ Moong có đông học trò

Hơ Moong có đông học trò

Từ chỗ học sinh thường xuyên nghỉ học, trốn thầy cô, đến nay 100% học sinh tiểu học ở xã vùng sâu Hơ Moong (huyện Sa Thầy, Kon Tum) đã đến trường; tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần trong năm học mới này đạt đến 98%. Đây là thành công bước đầu trong việc “kéo” học sinh bằng phương pháp mới...

Thầy Trương Anh Tài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ: Ngày ấy, khi về nhận công tác tại trường, nhìn lớp học chỉ có giáo viên và “lèo tèo” 3 - 4 học sinh, lòng tôi rất buồn. Để đưa các em đến lớp, tôi cùng với đội ngũ giáo viên ở đây áp dụng rất nhiều biện pháp nhưng không hiệu quả. Kể cả đưa xe đến tận nhà chở học sinh cũng không ăn thua. Bởi thấy những học sinh lười được thầy cô đến nhà đón đưa bằng xe máy, những học sinh khác cũng ở nhà chờ cô giáo đến chở mình... Cuối cùng, phương pháp “Học mà chơi, chơi mà học” đã đem lại kết quả.

Trước khi vào học, các em được sinh hoạt tập thể.

Trước khi vào học, các em được sinh hoạt tập thể.

Thầy Tài cho biết, trước khi vào tiết học, giáo viên chủ nhiệm dành từ 15 đến 20 phút tổ chức các trò chơi, kể những câu chuyện vui, hoặc tìm hiểu và chia sẻ với học sinh những phong tục tập quán, những lễ hội của các dân tộc..., sau đó mới dạy học. Từ cách này, buổi học không bị khô cứng, thu hút được sự chú ý học tập của các em.

A Thoam, học sinh lớp 2A cho biết: Đến lớp vui hơn ở nhà. Trước đây, A Thoam nghỉ học nhiều hơn lên lớp. Nhưng năm học này, A Thoam chưa nghỉ buổi nào vì đến trường được vui chơi, có thầy cô giáo chăm sóc. Không riêng gì A Thoam, phần lớn học sinh dân tộc thiểu số chúng tôi gặp và trò chuyện ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đều có chung cảm nhận như vậy. Đến lớp được cùng bạn bè, thầy cô vui chơi, học hành. Các thầy cô giáo thay cha mẹ tắm giặt, khâu vá quần áo, cắt tóc, cắt móng tay... Những học sinh nghèo mặc quần áo rách đến lớp được thầy cô tặng những bộ quần áo sạch sẽ. Đó là những bộ quần áo giáo viên đi vận động quyên góp ở địa phương, sau đó tranh thủ giặt ủi sạch sẽ trước khi tặng lại học trò.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum tháng 10-2009, cô giáo trẻ Nguyễn Thôn Quỳnh Anh được phân công về xã Hơ Moong công tác. Cùng với thầy cô ở đây, Quỳnh Anh tích cực vận động các em ra lớp, những ngày nghỉ đi quyên góp quần áo cũ mang đến cho học sinh của mình. Cũng như Quỳnh Anh, cô giáo Trương Thị Giang được phân công chủ nhiệm lớp 3A tại điểm trường Đăk Yo. Ngoài giờ lên lớp, Giang và các thầy cô cắt tóc, gội đầu, tắm rửa, khâu vá quần áo cho các em. Lúc đến trường, ngoài việc mang theo sách vở, giáo án, trang thiết bị dạy học, mỗi giáo viên còn mang theo kim chỉ, bấm móng tay, kéo cắt tóc... “Giáo viên tụi em ở đây đa nghề và khéo tay lắm...”, cô giáo trẻ Quỳnh Anh cười nói.

Chính sự gần gũi, thân thiện của thầy cô nên học sinh đến lớp học ngày càng đông. Những học trò cá biệt như A Độ, học sinh lớp 5B ở thôn Ktu; A Tâm, Y Tuên, A Dyiuh, học sinh lớp 3C ở làng Ktu; em A Dýat học sinh lớp 5A và em A Thoam học sinh lớp 2A ở làng Đăk Yo... giờ đã đi học đều.

Nếu như năm học 2008 - 2009, toàn trường có 112 học sinh yếu kém, trong đó có 100 em không “biết đọc biết viết”, năm 2009 - 2010 vừa qua, số học sinh yếu chỉ còn 35 em, không còn học sinh không “biết đọc biết viết”; tỷ lệ học sinh giỏi và khá cũng nhiều hơn. Đây là những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ thầy cô giáo ở xã Hơ Moong, một xã “vùng sâu vùng xa” của tỉnh Kon Tum.

TRẦN HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục