Hộ nghèo hiến đất xây trường

Trường không còn xa
Hộ nghèo hiến đất xây trường

Thời gian qua, ở tỉnh Gia Lai, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã tình nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây trường học. Nhờ những ngôi trường mọc lên, con em họ ở các xã vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện đến lớp, nhiều học sinh không phải bỏ học nửa chừng.

Lớp học mẫu giáo này được xây dựng trên phần đất do gia đình ông Hnơm ở làng O đất, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) hiến tặng.

Lớp học mẫu giáo này được xây dựng trên phần đất do gia đình ông Hnơm ở làng O đất, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) hiến tặng.

Trường không còn xa

Trời vừa tờ mờ sáng, con đường đến điểm Trường Mầm non O Đất, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) đã rộn rã tiếng trẻ. Một khung cảnh bình yên và hết sức bình thường như ở bất cứ đâu, nhưng với những đứa trẻ làng O Đất, niềm vui đến trường chỉ thực sự đến chừng vài năm trở lại đây. Không như những năm trước, cứ đến mùa gieo hạt, bất kể trời mưa hay nắng, những đứa trẻ tuổi lên 3, lên 5 phải theo mẹ lên nương làm rẫy bởi ở nhà không có người trông giữ, thì hôm nay, chúng đã được vui đùa trong ngôi trường nhỏ nằm ở giữa làng. Địu đứa con nhỏ hơn 2 tuổi trên lưng, gặp chúng tôi, chị Rơ Mah Hmun, người dân tộc Ja Rai ở làng O Đất, nở nụ cười tươi rói: “Vợ chồng mình có 3 đứa con. Trước đây, với 2 đứa đầu, mỗi khi lên nương mình phải đem chúng theo. Vừa làm, vừa trông chừng tụi nhỏ, đôi lúc lơ là một chút là chúng bị vấp ngã, chưa kể trời mưa nắng còn khiến chúng đổ bệnh, khổ lắm. Từ ngày trong làng có trường mẫu giáo, mỗi sáng mình đưa con đến trường, chiều đón về. Ở trường, con mình được chăm sóc, học hành tử tế nên không còn phải lo lắng nữa”.

Ngôi trường mẫu giáo mà con chị Rơ Mah Hmun đang theo học được xây dựng trên phần đất do ông Hnơm, người dân tộc Ja Rai ở làng O Đất, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) hiến tặng. Ngôi trường nhỏ được xây dựng trên khoảnh đất rộng chừng vài trăm mét vuông trông khá khang trang, sạch sẽ. Điều đáng trân trọng là gia cảnh của ông Hnơm rất nghèo. Tài sản lớn nhất của gia đình là ngôi nhà nhỏ, chiếc ti vi và chiếc xe máy cũ kỹ. Thế nhưng, trước nhu cầu tới lớp của con em trong làng, ông không chút đắn đo, hiến luôn mấy sào đất đang canh tác để xây trường. “Bà con mình giờ đã nhận thức phải học chữ mới có hiểu biết, mới có cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên, con đường đến với “cái chữ” của con em làng mình còn nhiều khó khăn vì trường lớp thiếu, đường đến trường quá xa... Do đó, khi chính quyền xã vận động gia đình mình hiến đất xây trường học, mình đồng ý ngay. Khi giao đất, bản thân mình rất hạnh phúc. Mình hiến đất đó để con cháu có điều kiện học hành. Thà mình chịu nghèo một chút nhưng lũ trẻ không phải theo cha mẹ lên nương”, ông Hnơm tâm sự. 

Cũng xuất phát từ việc thấy lũ trẻ trong làng không có trường học phải đi xa, có cháu phải nghỉ học vì không có điều kiện đi lại, nên anh Kpă Do, ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) bàn với vợ cắt bớt 400m2 đất nhà mình để xây trường học. Nhờ có đất, một ngôi trường mẫu giáo và nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng ở làng Ngo (xã Ia Tiêm) và từ đó trẻ em trong làng được đến lớp đều đặn mỗi ngày. Chị Y Lan, giáo viên ở điểm Trường Mầm non xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê), vui vẻ cho biết: “Trường lớp ở gần nhà nên học sinh siêng đi học hơn. Còn trường ở xa, lúc trời mưa gió, học sinh nghỉ nhiều. Ở địa phương có người hảo tâm hiến đất xây trường, mình vui lắm”.

Mong lấp đầy con chữ

Từ bao đời nay, bà con người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên thường có quan niệm rằng: “Đói cái chữ không chết, đói cái bụng mới chết!”. Chuyện học chữ chỉ được bà con nghĩ tới khi không còn lo đói. Vì thế, việc bà con dân tộc thiểu số ở nhiều nơi vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai tự nguyện hiến đất xây dựng trường học, tạo điều kiện cho con em đến trường học cái chữ là tín hiệu đáng mừng. Ông Hyớih, Thôn trưởng thôn O Đất, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) phấn khởi: “Thế hệ cha ông, rồi đến thế hệ mình đều đói cái chữ. Do đó, mình nhất định không để con cháu chịu cảnh thất học. Mà muốn học phải có trường, có lớp. Hiến đất xây trường để cho con, cho cháu. Đây là việc nên làm để đường đến lớp của con cháu mình gần hơn”.

Theo ông Hyớih, ban đầu khi ông cùng chính quyền địa phương đi vận động hiến đất, bà con cũng ngại vì tiếc đất, tiếc công khai hoang. Thế nhưng, sau khi nghe ông giải thích việc làm vì tương lai con cháu thì ai cũng đồng tình. Còn già làng Nay Hoai ở buôn Hoanh, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) cho rằng: “Ở đây không có trường lớp nên mấy đứa cháu đi học xa tội nghiệp lắm. Do đó, tôi hiến đất cho mấy đứa cháu có chỗ học hành. Trước đây, có nhiều người mua đất nhưng tôi không bán, tôi để đất làm trường cho các cháu. Giờ trẻ con không phải đi học xa, không chịu cảnh bỏ học nửa chừng nữa. Tôi phấn khởi lắm”.

Không chỉ các huyện Đăk Đoa, Chư Sê, một số địa phương khác của tỉnh Gia Lai cũng có nhiều tấm gương hiến đất xây trường. Phần lớn là những hộ gia đình nghèo, nhưng họ đều ước mong con cháu được đến trường, có tương lai,  như: Trưởng thôn Ksor Nghe và ông Nay Khơng ở buôn Hoanh, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa; gia đình anh A Moh ở làng Châm Bôm, xã Ia Băng (huyện Đăk Đoa)... đã tình nguyện hiến một phần đất đai của mình để xây trường học, cùng với Nhà nước chung tay góp sức cho sự nghiệp “trồng người” ở Tây Nguyên.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục